Thực hiện công tác giám định BHYT tại BHXH Ðiện Biên

Nhiều kết quả khả quan

09:10 - Thứ Năm, 12/07/2018 Lượt xem: 7113 In bài viết
ĐBP - Thống kê cho thấy, chi phí khám chữa bệnh (KCB) tại tỉnh ta các năm đều có sự gia tăng. Gần đây nhất, năm 2017 BHXH tỉnh thẩm định cho 892.302 lượt bệnh nhân với số tiền 450.249 triệu đồng; so với năm 2016, số lượt người tăng 35.862 (tăng 4.19%); số tiền tăng 101.617 triệu đồng (tăng 29%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên; đặc biệt là những thay đổi về cơ chế chính sách. Quyền lợi người bệnh được mở rộng, thực hiện thông tuyến huyện trong KCB BHYT làm cho tần suất đi KCB của bệnh nhân tăng cao, dẫn đến chi phí KCB tăng. Thực hiện giá viện phí mới theo Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và thực hiện áp giá viện phí bao gồm cơ cấu tiền lương vào giá dịch vụ KCB, do vậy các cơ sở KCB tuyến huyện và tuyến tỉnh tăng cường mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động dịch vụ: Kê tăng giường, mua trang thiết bị mới, mời bác sĩ tuyến trên theo mô hình bệnh viện vệ tinh... Là tỉnh nghèo, số lượng tham gia BHYT của tỉnh ta tuy lớn nhưng chủ yếu là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, mức đóng bình quân thấp, nhưng mức hưởng lại cao (100%). Ðối với tuyến xã, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất còn thiếu; số lượng, chất lượng chuyên môn cán bộ chưa cao dẫn đến việc bệnh nhân chuyển tuyến trên nhiều.

 

Nhân dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” BHXH huyện Mường Ảng.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến chi phí KCB tăng cao còn do được gia tăng giá viện phí; được đưa cơ cấu tiền lương vào giá dịch vụ, dẫn đến có cơ sở KCB chỉ định sử dụng rộng rãi một số dịch vụ kỹ thuật, thủ thuật, xét nghiệm, cận lâm sàng và các dịch vụ kỹ thuật từ trang thiết bị xã hội hóa; việc cung ứng, chỉ định sử dụng thuốc chưa hợp lý; giữa tuyến tỉnh và tuyến huyện, cơ sở KCB chưa có giải pháp phối hợp quản lý trong việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân thông tuyến. Một số bệnh nhân chưa đến mức phải điều trị nội trú vẫn đưa vào điều trị nội trú; kéo dài thời gian nằm điều trị tại bệnh viện, thanh toán vật tư y tế đã kết cấu trong giá…

Trước thực trạng trên, BHXH tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ KCB BHYT trên địa bàn. BHXH tỉnh cũng chỉ đạo BHXH các huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi phí KCB; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin giám định BHYT và chủ động giám định trực tiếp (kiểm tra tình trạng bệnh nhân nằm viện, sử dụng thẻ BHYT, chỉ định chẩn đoán và điều trị trên bệnh án... ), để tăng hiệu quả, chất lượng của BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, qua đó đã kiểm soát được tần suất điều trị nội trú và khám bệnh ngoại trú.

Bà Trần Thị Phương, Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh), cho biết: Thời gian qua, Phòng đã thực hiện hiệu quả công tác tham mưu, tổ chức kiểm tra, rà soát chi phí KCB, kiểm tra tại các cơ sở KCB (kể cả ngoài giờ). Phòng Giám định BHYT cũng phối hợp tập huấn Luật BHYT, phần mềm giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT cho BHXH các huyện, thị, nhân viên y tế của các cơ sở; cử cán bộ tham gia công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế cùng với ngành Y tế.

Ðể người dân hiểu rõ được lợi ích của việc tham gia BHYT; ý thức cộng đồng trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng lạm dụng nguồn quỹ BHYT từ phía người dân; BHXH đã tích cực phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp với các cơ sở KCB trong việc thực hiện chuẩn hóa dữ liệu danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế và thực hiện kết nối dữ liệu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT. Ðến nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã kết nối thông tin trên hệ thống thông tin giám định BHYT. Trong quý II/2017, toàn tỉnh đã giám định trên Hệ thống phần mềm giám định BHYT.

Thực hiện các phần việc liên quan, cơ quan BHXH và Sở Y tế đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan trong thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở thực hiện liên thông dữ liệu trong KCB và thanh toán BHYT, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHYT theo Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ. Chung tay cùng giải quyết tình trạng gia tăng chi phí KCB; BHXH thường xuyên làm việc với Sở Y tế và các bệnh viện để chỉ ra những hạn chế tồn tại, chi phí bất hợp lý, từ đó khắc phục kịp thời; quán triệt tinh thần sử dụng Quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ...

Có thể nói rằng, BHXH và ngành Y tế đã và đang có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng quỹ KCB. Thể hiện rõ nhất là, 6 tháng đầu năm chi phí KCB giảm nhiều so với cùng kỳ 2017, nhưng quyền lợi người tham gia BHYT vẫn đảm bảo, không có đơn thư khiếu kiện từ phía người dân. BHXH đã thẩm định cho trên 475 nghìn lượt người, với tổng chi phí KCB trên 200.900 triệu đồng, giảm trên 27.460 triệu đồng (12,02%) so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này thực sự là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nỗ lực của BHXH và các ngành, đơn vị liên quan trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân đang đi đúng hướng và ngày càng tốt hơn.

Năm 2018, trên cơ sở dự toán giao của Thủ tướng Chính phủ, liên ngành Y tế - BHXH tham mưu cho UBND tỉnh giao dự toán chi KCB BHYT năm 2018 cho từng cơ sở KCB. Với số dự toán được giao, số chi cho người tham gia BHYT có thể được bảo đảm một cách tương đối; tuy nhiên, với chi phí KCB đa tuyến đi cần sự phối hợp tích cực từ các cơ sở KCB trong toàn tỉnh; các tỉnh, thành phố khác, nhất là trong việc kiểm soát bệnh nhân chuyển tuyến về tuyến trung ương.

Bài, ảnh: Mai Thủy
Bình luận
Back To Top