Bao phủ BHYT tại tỉnh Ðiện Biên

Mục tiêu và thách thức

09:54 - Thứ Hai, 23/07/2018 Lượt xem: 6164 In bài viết
ĐBP - Tính đến hết tháng 6/2018, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tại tỉnh Ðiện Biên đạt xấp xỉ 98,5% dân số, vượt 0,4% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Kết quả đạt được ngày càng cho thấy tính đúng đắn, thiết thực của chính sách BHYT. Tuy nhiên, càng gần đến mục tiêu BHYT toàn dân càng có nhiều thách thức, trong đó, yếu tố đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững là rất khó khăn.

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT giai đoạn 2012 - 2015 và 2020, tốc độ bao phủ BHYT tại tỉnh Ðiện Biên có đà phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Nếu năm 2013, tỉnh có 510.000 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 97,7% thì đến hết tháng 6/2018 có 568.033 người tham gia, tỷ lệ bao phủ đạt 98,5%.

Ngoài một số nhóm được ngân sách đóng toàn bộ và hỗ trợ đóng như: Hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình… thì nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình - nhóm thuộc diện khó vận động tham gia nhất đã có bước tăng trưởng đáng kể trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ đối tượng tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước, nếu năm 2013 có 9.285 người tham gia (chiếm tỷ lệ 1,8% người tham gia BHYT) thì đến tháng 6/2018 có 17.467 người tham gia (chiếm tỷ lệ 3% người tham gia BHYT) tăng 88%.

Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực trong thời gian qua là do việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh. Có thể thấy rõ nhất từ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 4/4/2013 về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2013 - 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1698/KH-UBND ngày 8/7/2013 về triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2013 - 2020. Ðặc biệt, thực hiện Quyết định số 1167/QÐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020 tại Kế hoạch số 1994/KH-UBND ngày 5/7/2016, và điều chỉnh kế hoạch tại Văn bản số 2015/UBND-KGVX ngày 12/7/2016 cho các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ðây là những chỉ đạo quan trọng, kịp thời để các cấp ủy Ðảng và chính quyền vào cuộc mạnh mẽ bằng nhiều biện pháp với mục tiêu hướng tới toàn dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật BHYT có những thay đổi đáng kể tạo thuận lợi cho quá trình phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT. Các cơ quan, ban, ngành như: Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Trung tâm Phòng, chống HIV/ADIS… đã chủ động và tích cực phối hợp với BHXH tỉnh tham mưu cho UBND, HÐND tỉnh có được những quyết định quan trọng về cơ chế hỗ trợ người dân tham gia BHYT bằng nguồn ngân sách của tỉnh ngoài phần ngân sách Trung ương hỗ trợ: Cụ thể người thuộc hộ cận nghèo ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng (trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng); người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác nhưng không thiếu hụt BHYT ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng (trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng); đối tượng nhiễm HIV/AIDS hỗ trợ 100% mức đóng; đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên ngân sách hỗ trợ 50% mức đóng (trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 20% mức đóng). Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách, pháp luật BHYT, trong đó nhấn mạnh vai trò thiết thực của BHYT. Tuy nhiên, để hướng tới phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT bền vững đối với các tỉnh miền núi nói chung cũng như tỉnh Ðiện Biên trong giai đoạn tới, đồng thời hướng tới mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thực sự là thách thức rất lớn đối với tỉnh Ðiện Biên. Muốn duy trì ổn định và phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT cần tiếp tục có được hành lang pháp lý và những chính sách cần thiết để duy trì đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ cận nghèo… Từ năm 2021, tỉnh tiếp tục bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ một số nhóm đối tượng có thu nhập thấp tham gia BHYT như người thuộc hộ cận nghèo, đối tượng nhiễm HIV/AIDS; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên; người cao tuổi không có thu nhập… từ đó duy trì  thời gian tham gia BHYT liên tục cho đối tượng. Tăng cường công tác truyền thông, chú trọng các hình thức truyền thông trực tiếp, bảo đảm thông tin về BHYT được lan tỏa cả chiều rộng và chiều sâu; mở rộng mạng lưới đại lý thu. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh  của các cơ sở y tế, đáp ứng tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80% trở lên.

Trần Thị Thu (BHXH tỉnh)
Bình luận
Back To Top