Chủ động phòng, chống bệnh do muỗi truyền nhiễm

09:43 - Thứ Hai, 30/07/2018 Lượt xem: 6402 In bài viết

ĐBP - Gần đây tình hình thời tiết diễn biến thất thường, là thời điểm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: sốt rét, sốt xuất huyết. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, song với mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa lũ, vừa qua Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

 

Cán bộ Bệnh viện Ða khoa tỉnh khám, tư vấn sức khỏe kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà).

Tại Ðiện Biên, việc phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh truyền nhiễm, hàng năm vẫn luôn được ngành Y tế chủ động thực hiện. Ðối với các bệnh truyền nhiễm có tính chất nguy hiểm thường bùng phát trong mùa hè, mùa mưa bão do muỗi gây ra, ngành Y tế tỉnh chủ động lên kế hoạch, có phương án phòng ngừa ngay từ đầu năm. Theo đó, Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh đã tổ chức phun, tẩm màn hóa chất tại một số địa phương có nguy cơ xảy ra dịch trước mùa mưa. Ðồng thời, cấp màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu dài cho các huyện, thị, thành phố. Phối hợp với các cơ sở y tế và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó khuyến khích người dân ngủ trong màn đã tẩm hóa chất xua muỗi; loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi.

Thống kê của Sở Y tế, tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 7 ca sốt rét (giảm 88,3% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó 1 ca sốt rét dương tính, không có ca ác tính và không có trường hợp tử vong. Ðối với sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào mắc trên địa bàn. Số liệu này cho thấy, tỉnh ta đã làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh so với các tỉnh, thành trong cả nước. Toàn quốc, lũy tích từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 4 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Dù số mắc sốt xuất huyết giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên hiện nay đang vào mùa mưa - là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh, nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.

Ðối với sốt rét, đây là bệnh nguy hiểm nhất vào mùa mưa. Bệnh do muỗi anophen gây nên, muỗi sẽ mang mầm bệnh từ người nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh. Khi bị sốt rét, người bệnh có thể gặp những triệu chứng như: sốt, nhức đầu, đau cơ... Với bệnh sốt xuất huyết, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua vết đốt. Các triệu chứng của sốt xuất huyết thường xuất hiện đột ngột kèm sốt cao, người mệt mỏi, đau sau hốc mắt, đau thắt lưng, đau cơ chân, đau họng kèm theo nôn ói, tiêu chảy, đau vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới mũi xương ức). Do chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên sốt xuất huyết thường xảy ra dịch lớn nhiều người mắc bệnh cùng lúc, khiến công tác điều trị khó khăn, có thể gây tử vong, nhất là trẻ em.

Với tính chất nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra, ngành Y tế khuyến cáo người dân: Thường xuyên đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; trước khi ngủ bỏ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch... Ðặc biệt, khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top