Vì mục tiêu nâng cao chất lượng sức khỏe nhân dân

08:44 - Thứ Năm, 09/08/2018 Lượt xem: 6542 In bài viết

ĐBP - Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 604/QÐ - UBND về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất 7 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế. Quyết định này thể hiện sự quyết liệt của tỉnh trong việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh. Từ ngày 1/1/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Ðể sắp xếp đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành, quy định của tỉnh còn nhiều việc phải làm và không ít khó khăn; song với mục tiêu đặt lợi ích phục vụ nhân dân lên hàng đầu, ngành quyết tâm thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

 

Bác sĩ Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội kiểm tra mắt cho bệnh nhân trước khi thay thủy tinh thể. Ảnh: Gia Kiệt

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Ðình Thành, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là việc làm cần thiết đáp ứng việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng tinh giản tổ chức bộ máy, giảm đầu mối nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương; nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Khi thành lập, Trung tâm sẽ tăng mạnh về đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động; có điều kiện chia sẻ, hỗ trợ công việc cùng nhau đảm bảo y tế tuyến xã, huyện. Vì vậy, sau khi Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT - BYT - BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế và phòng y tế có hiệu lực, Sở đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan cùng sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo UBND tỉnh để sớm triển khai thực hiện. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 7 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế, gồm: Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Nội tiết; Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe. Trung tâm có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn. Với mục tiêu sắp xếp lại các bộ phận khoa, phòng theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; Trung tâm được thành lập có cơ cấu 1 giám đốc, 3 phó giám đốc; 3 phòng chức năng và 12 khoa chuyên môn. Như vậy, vấn đề đặt ra trong việc sắp xếp tổ chức nhân sự để bộ máy đi vào hoạt động hiệu quả không dễ dàng. Bởi đối với cán bộ lãnh đạo các đơn vị sáp nhập hiện tại có 18 người (7 giám đốc, 11 phó giám đốc) sau khi kiện toàn chỉ còn 1 giám đốc, 3 phó giám đốc sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm tư của cán bộ; chưa kể hàng loạt cán bộ cấp phòng của các trung tâm sau khi sáp nhập sẽ dôi dư… Hiện với tổng số người làm việc sau khi thành lập Trung tâm là 227 người. Mục tiêu của tỉnh đặt ra đối với Trung tâm là phải giảm 17 người trong năm 2018 và đến năm 2021 sẽ giảm tổng số 48 người (đạt tỷ lệ 20% so với số người làm việc hiện có). Theo ông Triệu Ðình Thành, đây là việc làm khó khăn đối với ngành vì phải sắp xếp lại vị trí việc làm, phải điều chuyển cán bộ đi các đơn vị khác vì chưa có chế độ chính sách hỗ trợ cho các đối tượng dôi dư do phải tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức. Xác định rõ những khó khăn đó, Sở chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công nhân, viên chức trong công tác kiện toàn tổ chức, bố trí sắp xếp nhân lực và tinh giản biên chế để mỗi cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, nâng cao trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn được phân công. Với quan điểm sắp xếp bộ máy lãnh đạo Trung tâm (ban giám đốc, các khoa/phòng chuyên môn) được bố trí theo trình độ chuyên ngành, năng lực của cán bộ để tập trung lãnh đạo triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giai đoạn trước mắt, sau khi sáp nhập, trụ sở chính của Trung tâm đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng (cũ). Các khoa, phòng chuyên môn của Trung tâm vẫn bố trí tại trụ sở của 7 đơn vị cũ để đảm bảo hiệu quả, thuận tiện trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chứ chưa tập trung về một mối vì chưa có trụ sở. Ðồng thời, để thuận lợi hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, vì các phòng khám hoạt động theo lĩnh vực chuyên môn (khám mắt, da liễu, nội tiết…); tương tự đối với công tác xét nghiệm cũng vậy (các labo xét nghiệm được triển khai theo chuyên khoa, như: xét nghiệm HIV, xét nghiệm nấm…)

Ðối với lực lượng cán bộ dôi dư, trong đó đa phần là cán bộ trẻ; Sở sẽ rà soát các đơn vị còn thiếu các vị trí việc làm tương ứng để điều động và xem xét cho cán bộ nghỉ theo chế độ Nghị định số 108 của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế. Cán bộ lãnh đạo, trưởng khoa, phó trưởng khoa/phòng sau khi kiện toàn sắp xếp tổ chức thành lập Trung tâm không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, trưởng, phó trưởng khoa/phòng hoặc bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng theo quy định. Dù sẽ còn không ít vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ sau khi sáp nhập để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, song với ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức thì việc thành lập Trung tâm sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch chương trình mục tiêu y tế trong năm 2018 mà còn đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top