Cô đỡ thôn bản

Cánh tay “nối dài” của ngành Y tế

09:14 - Thứ Năm, 09/08/2018 Lượt xem: 7611 In bài viết
ĐBP - Là tỉnh miền núi với địa hình phức tạp, giao thông khó khăn kèm theo phong tục tập quán của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều bà mẹ, trẻ em vùng sâu vùng xa ít có cơ hội được chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế. Vì thế, cô đỡ thôn bản được ví như những cánh tay “nối dài” của ngành Y tế, là cầu nối giữa các cơ sở y tế với người dân vùng sâu, vùng xa trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trước, trong và sau sinh. Tuy nhiên, vì rất nhiều nguyên do, đến nay nhiều cô đỡ thôn bản không còn mặn mà với công việc mà chính bản thân họ đã từng bỏ biết bao thời gian, công sức và tâm huyết…

Như cánh chim không mỏi

Ðến con dốc đầu bản, chúng tôi dừng chân hỏi thăm đường tới nhà cô đỡ Lò Thị Ánh, bản Phiêng Quảng, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa). Ðiều bất ngờ nhất là từ người già, trẻ nhỏ ai cũng biết Ánh và tự hào khi nói về cô. Sau khi chỉ đường cho chúng tôi, mấy đứa trẻ chơi ném pao cạnh đó lại tình nguyện dẫn đường…

 

Cô đỡ thôn bản Hạng Thị Lay, bản Nậm Ban 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) đi vận động, chăm sóc sức khỏe thai kỳ.

Dù đã hẹn trước qua điện thoại, nhưng phải gần 30 phút sau Ánh mới tất tả chạy về. Vừa thấy chúng tôi ở cổng, Ánh đon đả mời vào nhà rồi nói như giải thích: Ðêm qua, em gặp một ca sinh khó. Sản phụ 24 tuổi chuyển dạ từ 7 giờ tối nhưng tận 2 giờ sáng nay mới sinh. Vì sót nhau thai nên em phải cùng người nhà đưa sản phụ xuống Bệnh viện Ða khoa huyện để các bác sĩ kịp thời xử lý. Ðợi sức khỏe sản phụ ổn định, em mới yên tâm ra đón xe về nhà.

Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, cô đỡ Lò Thị Ánh tâm sự: Bên cạnh nhiệm vụ chính là thường xuyên gặp gỡ những chị em trong thai kỳ để tư vấn cho họ cách chăm sóc mẹ và thai nhi; tuyên truyền, vận động chị em đi khám thai đúng định kỳ, sinh con tại trạm y tế xã; chủ yếu em làm nhiệm vụ đỡ đẻ tại nhà. Nhiều khi nửa đêm nhận được tin báo có người sắp sinh, Ánh phải đi bộ hàng chục ki lô mét đến giúp sản phụ sinh nở. “Công việc vất vả nhưng sau những ca đỡ thành công, thấy niềm hạnh phúc của gia đình họ nên mình cũng vui lây và có động lực để tiếp tục với công việc nhọc nhằn này”. - Lò Thị Ánh chia sẻ. Khi được hỏi đã đỡ bao nhiêu ca đẻ tại nhà? Ánh cười và trả lời: “Không thể nhớ chính xác là bao nhiêu ca sau 5 năm làm cô đỡ, nhưng chắc chắn rằng là chưa có ca tai biến nào xảy ra”.

Với những đứa trẻ và người dân bản Phiêng Quảng, Ánh thật sự là một ân nhân. Trong căn nhà ngập tràn tiếng cười nói của hai đứa con thơ, anh Lò Văn Rơm xúc động nhớ lại: Ðêm đó, khi con gà rừng gáy sáng cũng là lúc vợ chuyển dạ, quặn đau liên hồi. Tôi và mẹ già chỉ biết ngồi bên an ủi. Sau gần 3 tiếng đồng hồ vật vã với những cơn đau, hơi thở của vợ tôi yếu dần. Nghĩ đến điều chẳng lành, tôi chợt nhớ đến cô đỡ Lò Thị Ánh và chạy về phía bức liếp, nơi có nét bút nguệch ngoạc ghi số điện thoại của Ánh và gọi điện trong hy vọng thấp thỏm... May mắn thay, hơn chục phút sau, Ánh đã đến và giúp vợ tôi sinh nở “mẹ tròn con vuông”.

Cũng giống như Lò Thị Ánh, một ngày của cô đỡ Hạng Thị Lay, bản Nậm Ban 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) khá bận rộn. Chúng tôi gặp Lay khi cô đang trên đường đi khám và kiểm tra sức khỏe cho một phụ nữ mang thai nhà phía bên kia quả đồi. Vừa chỉnh lại chiếc túi đựng dụng cụ y tế đeo bên hông, Lay tâm sự: Trước đây, phụ nữ Mông mang thai vất vả lắm! Gần đến ngày sinh vẫn đi làm nương, thậm chí còn đẻ “rơi” trên nương. Nhưng khi sinh con xong lại rất khắt khe trong việc kiêng cữ, như: sản phụ không được tắm trong nhiều ngày, thức ăn ở cữ chỉ là muối hoặc thịt lợn, chế biến càng mặn càng tốt, vì quan niệm ăn như vậy sữa người mẹ mới đặc, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con. Hay khi ốm đau cũng không cho đi cơ sở y tế khám, điều trị, mà chỉ để ở nhà đắp lá cây rừng hoặc cúng bái. Chính vì vậy, việc thuyết phục người dân từ bỏ các hủ tục là rất khó; thậm chí nhiều khi còn bị mắng mỏ. Nhưng bằng sự nhiệt tình và áp dụng nhiều hình thức truyền thông, vận động, bà con nơi đây đã thay đổi quan niệm, có kiến thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Sau gần một giờ leo dốc, chúng tôi cũng đến được nhà chị Lý Thị Mẩy, thai phụ nhà xa nhất bản. Sau hồi hỏi thăm tình hình sức khỏe, tư vấn về cách vệ sinh ăn uống hàng ngày, Lay cẩn thận đỡ chị Mẩy nằm trên giường để khám, kiểm tra sức khỏe và nghe tim thai. Lay bảo: Thai bảy tháng, sức khỏe tốt, không thể tự sinh ở nhà được, phải xuống trạm y tế xã để nữ hộ sinh, bác sĩ có chuyên môn, đầy đủ dụng cụ đỡ đẻ cho nhé! Thế mới đảm bảo an toàn... Mẩy năm nay 20 tuổi, mới lập gia đình và mang thai lần đầu còn nhiều điều bỡ ngỡ, nên Lay thăm khám, tư vấn rất cẩn thận.

Vừa khám cho chị Mẩy xong thì Lay nhận được cuộc điện thoại của một gia đình ở bản Nậm Ban 2 với giọng khẩn cầu giúp đỡ, một thai phụ đang chuyển dạ cần cô thăm khám và hỗ trợ xuống trạm y tế xã. Lay lập tức đeo túi lên vai, chào gia đình chị Mẩy và đi nhanh về phía bản Nậm Ban 2, xã Huổi Lếch (do bản Nậm Ban 2 chưa có cô đỡ thôn bản nên người dân ở đó thường nhờ Lay mỗi khi sinh nở hoặc đau ốm). Nhìn vóc dáng mảnh mai của cô đỡ thôn bản Hạng Thị Lay thoăn thoắt đi giữa sườn đồi trong mưa gió lâm thâm, tôi càng thêm thấu hiểu nỗi vất vả và cả niềm tin mà dân bản đã gửi trọn nơi cô…

Nhờ những người tâm huyết, trách nhiệm như cô đỡ Hạng Thị Lay, Lò Thị Ánh mà nhiều em bé được sinh ra khỏe mạnh, vẹn tròn. Ghi nhận những đóng góp đó của các cô đỡ thôn bản, vừa qua Bộ trưởng Bộ Y tế đã tặng Bằng khen cho 5 cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trong đó có Lò Thị Ánh và Hạng Thị Lay.

Phụ cấp thấp, trách nhiệm cao

Theo Thông tư số 07/2013/TT-BYT, ngày 8/3/2013 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản thì khối lượng công việc của một cô đỡ thôn bản không hề ít. Nếu thực hiện đầy đủ chức năng đó thì công việc chiếm phần lớn thời gian của họ. Tuy nhiên mức phụ cấp của cô đỡ thôn bản hiện nay chỉ 390.000 đồng/tháng. Ðiều này vô hình trung khó khuyến khích và giữ chân các cô đỡ thôn bản gắn bó lâu dài với nghề. Theo Quyết định 1320/QÐ - UBND, ngày 1/12/2015 của UBND tỉnh về việc công nhận thôn, bản khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cần bố trí 1 cô đỡ/thôn, bản. Toàn tỉnh có 646 thôn, bản thuộc 9 huyện, thị xã được công nhận còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cần được bố trí cô đỡ thôn bản. Tuy nhiên, đến nay mạng lưới này mới chỉ được hình thành tại các huyện: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tuần Giáo và huyện Ðiện Biên Ðông, với sự tham gia của 185 cô đỡ thôn, bản.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Sở Y tế), cho biết: Nhu cầu tăng cường cô đỡ thôn bản về những vùng khó là rất cấp bách. Tuy nhiên, kinh phí tổ chức thực hiện lại phụ thuộc vào các dự án, các tổ chức xã hội từ thiện. Chỉ tính riêng kinh phí đào tạo một lớp cô đỡ thôn bản (khoảng 25 - 30 người) trong thời gian 6 tháng tiêu tốn từ 700 - 800 triệu đồng, chưa kể tiền phụ cấp hàng tháng sau khi học xong đi làm. Chính vì vậy, Trung tâm không thể thực hiện. Tính từ năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện dự án cô đỡ thôn bản) Trung tâm đã đào tạo và cho “ra lò” hơn 200 cô đỡ thuộc các huyện khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn lại 185 cô đỡ gắn bó với nghề.

Theo bà Hoàng Thị Tỉnh, lý do khiến các cô đỡ không thể gắn bó với nghề chủ yếu là thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống. Trên thực tế, địa phương nào có cô đỡ thôn bản thì địa bàn đó ít xảy ra tình trạng tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Cũng nhờ đó tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh giảm dần qua các năm.

Thực tế cho thấy, công việc của cô đỡ thôn bản chiếm phần lớn thời gian nhưng phụ cấp lại chưa tương xứng. Thậm chí chưa đủ tiền xăng xe đi lại ở các thôn, bản vùng cao, giao thông cách trở. Ðây là một trong những lý do chính khiến những năm gần đây, nhiều nhân viên y tế thôn, bản không còn mặn mà với công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở cơ sở. Ðể cô đỡ thôn bản có thêm động lực, nhiệt huyết với công việc, rất cần sự quan tâm của Nhà nước, nhất là nâng mức phụ cấp hỗ trợ thích hợp để họ yên tâm, gắn bó với nghề.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top