Trăn trở y tế Nậm Pồ

08:53 - Thứ Năm, 13/09/2018 Lượt xem: 8322 In bài viết

ĐBP - Nậm Pồ là huyện đặc biệt khó khăn, hiện nay còn 1 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm (xã Nậm Chua), một số xã có đường ô tô nhưng đi lại rất khó khăn vào mùa mưa (Nà Bủng, Na Cô Sa...). Ðặc biệt trong lĩnh vực y tế, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí chủ trương xây dựng bệnh viện với sức chứa 300 giường bệnh tại địa phương nhưng cho đến thời điểm này, Nậm Pồ vẫn là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở y tế cấp huyện đạt chuẩn (hiện nay y tế huyện hoạt động tạm tại Phòng khám Ða khoa khu vực Nà Hỳ). 

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ thăm khám bệnh cho người dân.  Ảnh: Phạm Dương

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Nậm Pồ cho biết: Khi chia tách, thành lập huyện Nậm Pồ năm 2013, Trung tâm nhận lại Phòng khám Ða khoa khu vực tại xã Nà Hỳ làm trụ sở với 10 giường bệnh. Số giường bệnh này không đáp ứng yêu cầu của một cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện, sau đó chúng tôi được đầu tư nâng cấp hạ tầng lên 50 giường (trong đó 45 giường bệnh). Do đặc điểm vị trí xã Nà Hỳ nằm lệch vào phía trong, cách xa quốc lộ 4H nên ban đầu Trung tâm chủ yếu phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân 7 xã vùng sâu. Mặc dù vậy, do điều kiện giao thông hiểm trở, xa xôi, hệ thống y tế tuyến xã chưa đáp ứng được nhu cầu, số lượng bệnh nhân nội trú luôn cao và thường xuyên trong tình trạng quá tải. Ðặc biệt, tháng 2/2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo tạm dừng việc khám, chữa bệnh nội trú đối với các phòng khám đa khoa khu vực, các đơn vị vốn “gánh” tải 8 xã vùng ngoài cho Trung tâm Y tế huyện là Phòng khám Ða khoa khu vực Si Pa Phìn, Phòng khám Ða khoa khu vực “3 Chà” buộc phải dừng điều trị nội trú khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Năm nay mưa nhiều, các tuyến đường vào trung tâm huyện thường xuyên bị ách tắc do sạt lở, vào đến Trung tâm thì thiếu giường, các bệnh nhân nhiều khi buộc phải khám, chữa bệnh tự do (người dân các xã từ khu vực km70, quốc lộ 4H trở vào thì khám bệnh trong huyện Mường Nhé; phía ngoài thì ra Trung tâm Y tế huyện Mường Chà). Ðiều này sẽ dẫn đến nguy cơ “vỡ” quỹ khám chữa bệnh đa tuyến.

Không chỉ quá tải giường bệnh, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ là đơn vị duy nhất ở tỉnh không có phòng đơn nguyên sơ sinh. Ngoài ra, Trung tâm đang phải sử dụng chung các bộ phận chuyên môn như: điện tim, siêu âm, tai - mũi - họng, mắt. Sơ bộ Trung tâm cần bổ sung 20 phòng làm việc gồm: 10 phòng bệnh, 5 phòng cán bộ, 5 phòng kỹ thuật, chuyên môn.

Do đặc thù vùng cao, đi lại khó khăn, đã có trường hợp cả bệnh nhân lẫn người nhà cùng nhập viện do ngã xe trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh. Ngoài ra còn phổ biến tình trạng người dân e ngại đến bệnh viện nên nhiều trường hợp bệnh rất nặng mới đưa đến Trung tâm Y tế để điều trị. Vì vậy, tỷ lệ chết, đặc biệt là chết trẻ ở địa phương là rất cao so với khu vực: Năm 2017 là 83%o; 7 tháng đầu năm là 80,2%o; tỷ lệ chết tại nhà trên 71/%o, trong đó trên 70% do các bệnh lý hô hấp (viêm phổi).

 

Người dân huyện Nậm Pồ đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện.

Nói về nhận thức, ý thức của người dân vùng cao, biên giới Nậm Pồ về sức khỏe bản thân và gia đình thì quả là một câu chuyện dài đầy trăn trở. Trước hết, do điều kiện cơ sở hạ tầng, giường bệnh thiếu thốn nên việc cả tuần vạ vật nằm đất, sinh hoạt tạm bợ, chật chội đều là trở ngại cho bà con. Ðã vậy, do bệnh quá nặng mới đưa ra viện dẫn đến bệnh tình chuyển biến chậm nên nhiều trường hợp bệnh nhân và người nhà sốt ruột, mất niềm tin vào lực lượng y tế, tìm mọi cách để xuất viện. Nếu bà con có ý thức, quyết tâm cao, xin chuyển tuyến lên tỉnh, Trung ương để khám, chữa đã đành nhưng nhiều trường hợp tự giải quyết bằng các phương pháp dân gian, thậm chí là mê tín dị đoan. Ðáng thương nhất là những em nhỏ (cả trước và sau khi đến viện), gia đình chữa bệnh bằng cách cúng bái, châm lửa, chích máu toàn thân, kéo da đầu… đến tím đen cả người nhưng vẫn không khỏi bệnh. Nhiều trường hợp đưa con đến rồi lại tìm mọi cách đưa về nhà, đội ngũ y tế khuyên nhủ, giải thích thế nào cũng không nghe.

Còn đối với lực lượng y tế ở cơ sở, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng muôn vàn khó khăn, nhất là công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ðiển hình như công tác tiêm chủng, trong 7 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn huyện Nậm Pồ chỉ đạt 42%; có địa bàn như bản Nậm Nhừ 1 (xã Nậm Nhừ) có 26 trẻ thì chỉ tiêm được 2 cháu. Nguyên nhân chính là bà con không hợp tác vì cho rằng trẻ đang khỏe, tiêm vào thì ốm (nguyên nhân do một số loại vắc xin khi tiêm, trẻ thường sốt nhẹ) nên không cần tiêm! Ngành Y tế địa phương khắc phục bằng cách phát thêm thuốc hạ sốt nhưng nhiều trường hợp vẫn không nhất trí, cho rằng mất thêm mấy ngày công đi làm vì phải ở nhà trông con ốm. Thậm chí, việc tiêm chủng còn bị tẩy chay khi người dân cho rằng tiêm là để chính quyền đánh dấu, kiểm soát (tiêm phòng lao thường để lại vết sẹo nhỏ trên bắp tay)! Cán bộ y tế ở cơ sở cùng với chính quyền, ngành cấp trên thường xuyên triển khai các giải pháp tuyên truyền nhưng hiệu quả còn rất hạn chế. Có trường hợp nữ cán bộ y tế lặn lội đêm hôm (do bà con đi nương, tối mới về), đội mưa gió đến tận nhà khuyên nhủ nhưng thất bại, đã bật khóc do quá thất vọng, uất ức.
Phạm Dương
Bình luận
Back To Top