Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư: Cơ hội nối dài sự sống cho người bệnh

16:26 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 7387 In bài viết
Trong lĩnh vực điều trị ung thư, liệu pháp miễn dịch là thành tựu nổi bật nhất trong vài năm qua. Bệnh viện K hiện đang triển khai chương trình hỗ trợ thuốc miễn dịch Pembrolizumab cho bệnh nhân ung thư.

 

Bệnh viện K: Hỗ trợ thuốc Pembrolizumab cho bệnh nhân ung thư.

Khái niệm điều trị miễn dịch là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư. Theo BS Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K, liệu pháp này được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch càng cao. Liệu pháp này có thể được tiến hành kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích để tăng cường hơn nữa hiệu quả diệt tế bào ung thư. Ở Bệnh viện K, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác.

Đến nay, các thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch Nivolumab, Ipilimumab, Pembrolizumab, Atezolimumab, Durvalumab đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt trong điều trị một số bệnh ung thư như ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư biểu mô đường niệu, ung thư dạ dày, u lympho, ung thư gan. Mỗi thuốc có chỉ định không hoàn toàn giống nhau về loại ung thư và giai đoạn bệnh có thể điều trị.

Ở nước ta, Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện. Tuy nhiên, chi phí cho một chu kỳ điều trị lớn, khoảng 60 -120 triệu đồng và chưa được Bảo hiểm Y tế chi trả. Các thuốc Atezolizumab, Durvalumab, Tremelimumab đã được cấp phép trong nghiên cứu lâm sàng.

Một số bệnh viện lớn ở Việt Nam phối hợp với các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu các thuốc điều trị miễn dịch trên giai đoạn thử lâm sàng

Liên quan đến vấn đề điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, theo BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K, hiện cơ sở đang triển khai chương trình hỗ trợ thuốc Pembrolizumab cho bệnh nhân ung thư.

Theo đó, khi bệnh nhân được chỉ định sử dụng hai lọ Pembrolizumab (hàm lượng 100mg) cho một đợt điều trị, sau khi mua và hoàn thành hai đợt điều trị liên tục (bốn lọ), bệnh nhân sẽ được nhận một đợt thuốc (hai lọ) miễn phí. Các chu kỳ tiếp theo được lặp lại như trên. Số đợt điều trị tối đa có thể áp dụng cho mỗi bệnh nhân là 35 đợt, bao gồm cả đợt/liệu trình miễn phí.

Còn với bệnh nhân được chỉ định một lọ Pembrolizumab (hàm lượng 100 mg) cho một đợt điều trị, sau khi mua và hoàn thành bốn đợt điều trị liên tục (bốn lọ), bệnh nhân sẽ được nhận hai đợt thuốc (hai lọ) miễn phí. Các chu kỳ tiếp theo được lặp lại như trên. Số đợt điều trị tối đa có thể áp dụng cho mỗi bệnh nhân là 35 đợt, bao gồm cả đợt/liệu trình miễn phí.

Thêm cơ hội nối dài sự sống cho người bệnh ung thư

Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, gánh nặng ung thư ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Theo ghi nhận ung thư năm 2018, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc, tỷ lệ mới mắc/100.000 dân là 151,4; đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Ý tưởng triển khai liệu pháp miễn dịch đã được GS.BS Tạ Thành Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y, Hà Nội triển khai từ năm 2013. Sau đó, qua một thời gian khá dài hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất, cuối năm 2017, Bộ Y tế mới chính thức đồng ý thử nghiệm lâm sàng trên người Việt Nam tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K.

BS Thành Văn cho biết thêm, chỉ trừ ung thư máu, liệu pháp trên có thể được dùng điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư mô đặc, gồm các bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng...

 

GS.BS Tạ Thành Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.

Các thuốc ức chế chốt kiểm đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới từ việc cố gắng mở rộng chỉ định điều trị đối với nhiều loại ung thư khác nhau, nhiều giai đoạn bệnh khác nhau từ giai đoạn khu trú tại chỗ đến giai đoạn di căn, từ sử dụng đơn độc đến kết hợp nhiều thuốc miễn dịch với nhau, hoặc kết hợp giữa điều trị miễn dịch với các phương pháp truyền thống như kết hợp với hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên cần thêm thời gian để các nghiên cứu lâm sàng kết thúc và kết quả của các nghiên cứu được công bố.

Cũng theo GS Thành Văn, tại cơ sở chuyển giao công nghệ cho Việt Nam ở Nhật Bản, với hơn 10.000 lượt điều trị bằng phương pháp này cho thấy tỷ lệ đáp ứng và cải thiện là 55-60%, tức bệnh nhân ăn được, ngủ được, đi lại được, và không đau. Tỷ lệ khối u nhỏ đi hoặc biến mất là 3%. Hiện vẫn còn khoảng 40% đáp ứng chưa như mong muốn.

"Theo các đánh giá, đây là giải pháp mang tính chất đột phá của ngành ung thư và miễn dịch. Đánh giá chủ quan lẫn khách quan cho thấy đây là phương pháp điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư thông qua việc làm tăng cường “nội lực” của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân ở những giai đoạn sớm, chúng tôi vẫn khuyến cáo theo các phương pháp truyền thống, sau đó kết hợp với miễn dịch trị liệu, kết quả sẽ tăng lên rất nhiều", GS Thành Văn cho hay.
P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top