Dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam: Vẫn nóng!

10:42 - Thứ Sáu, 12/10/2018 Lượt xem: 6093 In bài viết

Theo ông  ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch đang diễn biến phức tạp và bất thường có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới...

 

Bệnh nhi được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM.

“Số ca mắc bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam với hơn 4.000 trường hợp từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%). Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp và bất thường có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới” - Đó là nội dung được ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam được tổ chức vào chiều 10-10 tại TPHCM.

Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, TP khu vực phía Nam. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh...

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn TP có 4.066 ca bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, TP cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.

PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, 9 tháng đầu năm, bệnh viện tiếp nhận 2.180 ca tay chân miệng, trong đó có 46 ca nặng (độ 3, 4) và 1 ca tử vong. Tính riêng trong tháng 9 đã có 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh viện đã có 83 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện. Riêng trong ngày 10-10, Khoa Nhiễm đang điều trị cho 19 ca sởi. Số ca sốt xuất huyết thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 và có 2 ca tử vong.

Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh và liên tục. Trong tháng 9, số ca mắc lên tới trên 200 ca nội trú, khoảng 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Các địa phương có số bệnh nhân mắc bệnh cao là Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.

Tính đến ngày 8-10, số ca mắc sởi tại Đồng Nai là 190 ca, trong đó chỉ tính riêng từ tháng 9 đến nay đã có 161 ca. 10/11 huyện ghi nhận có ca bệnh, tập trung tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ như Nhơn Trạch (87 ca), TP Biên Hòa (41 ca), Long Thành (31 ca).

Cùng với bệnh tay chân miệng, bệnh sởi cũng có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8 đến nay tại địa phương này với hơn 190 ca mắc bệnh sởi, trong đó xuất hiện các chùm ca bệnh với nhiều người cùng mắc.

Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, cho biết, qua giám sát và điều tra cộng đồng tại một số điểm có ca bệnh, chùm ca bệnh cho thấy, số mắc bệnh phần nhiều tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ của công nhân, trẻ chưa tiêm chủng sởi và trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Còn tại Bình Dương, từ tháng 9 đến nay số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh với 112 ca và trên 3.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Cũng giống như Đồng Nai, Bình Dương rất khó quản lý các đối tượng mắc bệnh là dân nhập cư. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, có đến 90% đối tượng nhập cư chưa được tiêm chủng hoặc không rõ lịch tiêm chủng. Đây cũng là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ có số ca bệnh tay chân miệng và sởi tăng cao trong thời gian gần đây.

Khó kiểm soát các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, năm nay bệnh tay chân miệng và sởi ở các tỉnh phía Nam tăng cao, chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có dấu hiệu gia tăng. Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TPHCM, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở các khu vực các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh.

“Đặc biệt, có khoảng 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Các địa phương cần vận động sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào việc phòng chống dịch bệnh”, PGS-TS Phan Trọng Lân khuyến cáo.

Trước thực trạng dịch bệnh tay chân miệng và sởi chủ yếu tăng ở các tỉnh Đông Nam bộ, ông Trần Đắc Phu cho rằng, đây là các địa phương có sự giao lưu đi lại thường xuyên, điều kiện nhà ở chật chội, vệ sinh môi trường kém, khó kiểm soát được lịch tiêm chủng của người dân. Vì vậy, để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, đối với bệnh sởi, cần đẩy mạnh việc tiêm vét, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao cần tiến hành tiêm vét trong tháng 12 và tháng 1-2019. Tại khu vực phía Nam, tình hình mắc sởi liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Tại những khu vực nguy cơ cao này, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 và mũi 2 chưa đạt như mong muốn, một số nơi trẻ mắc sởi không được cách ly.

Đối với bệnh tay chân miệng, biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là tập trung vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cùng với đó, một số nhóm đối tượng tạm trú không nằm trong danh sách tiêm vét, vì vậy rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chủ nhà trọ, khu công nghiệp.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top