Tầm soát ung thư - cơ hội sống còn

10:58 - Thứ Hai, 05/11/2018 Lượt xem: 7097 In bài viết

Có tới 70% bệnh nhân ung thư trong nước đều phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, tầm soát ung thư góp phần chẩn đoán bệnh ung thư giai đoạn sớm, tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh.

 

Khám tầm soát phát hiện sớm ung thư.

Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư, hiện đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại TPHCM, số liệu mới nhất của Đơn vị ghi nhận ung thư quần thể của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho thấy, số ca mắc mới ung thư ghi nhận được trong giai đoạn 2010-2014 tại bệnh viện là 39.246 ca.

Phần lớn ung thư đều có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Hiện tỷ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) ở Việt Nam đạt khoảng 33% ở nam giới và khoảng 40% ở nữ giới, trong khi ở nhiều nước phát triển con số này lên tới 70% - 80%. Nguyên nhân là do có tới 70% bệnh nhân ung thư trong nước đều phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, tầm soát ung thư góp phần chẩn đoán bệnh ung thư giai đoạn sớm, tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh.

1. Tầm soát ung thư là gì?

Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở những người chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Mục đích của tầm soát ung thư là phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc bệnh lý ung thư ở giai đoạn thật sớm, từ đó có thể can thiệp rất hiệu quả và thậm chí là có thể ngăn ngừa quá trình tiến triển thành ung thư.

2. Tại sao cần phải tầm soát ung thư?

Các xét nghiệm tầm soát ung thư có thể phát hiện bệnh ung thư từ giai đoạn rất sớm, trước khi xuất hiện các triệu chứng. Điều này giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng hơn và tăng khả năng chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Khi đã xuất hiện các triệu chứng thì tổ chức ung thư đã có thể phát triển và lan tràn, do đó việc điều trị khỏi cho bệnh nhân sẽ khó khăn hơn.

3. Các xét nghiệm tầm soát ung thư

Khám lâm sàng và hỏi tiền sử: khám toàn thân để kiểm tra sức khỏe chung cũng như phát hiện những dấu hiệu bệnh lý như khối u hay các bất thường khác; hỏi thói quen sinh hoạt liên quan tới sức khỏe, tiền sử bệnh tật và các phương pháp điều trị trước đó, tiền sử gia đình…;  các xét nghiệm máu, nước tiểu, mẫu mô….; các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh; xét nghiệm gen.

4. Những loại ung thư nào có thể được tầm soát hiệu quả?

Loại ung thư nào thỏa mãn các tiêu chuẩn sau thì sẽ phù hợp để đưa vào chương trình tầm soát: có giai đoạn tiền ung thư kéo dài; có phương tiện tầm soát hiệu quả; có thể điều trị hiệu quả các tổn thương tiền ung thư. Đối với nhiều bệnh ung thư, cơ hội chữa khỏi bệnh phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm được chẩn đoán (tức là mức độ lan tràn của tế bào ung thư trong cơ thể). Những bệnh ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm thường được điều trị dễ dàng hơn và cơ hội khỏi bệnh cao hơn.

5. Ai cần được tầm soát?

Một số xét nghiệm tầm soát chỉ được sử dụng cho những người đã có các yếu tố nguy cơ đối với một số loại ung thư nhất định. Những người có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những người khác là những người: đã từng mắc ung thư trong quá khứ; hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư; hoặc có một số đột biến gen có liên quan đến ung thư.

6. Tất cả mọi người đều có kế hoạch tầm soát ung thư giống nhau?

Không phải tất cả mọi người đều cần được tầm soát để tìm những bệnh ung thư giống nhau. Và không phải mọi người đều phải bắt đầu tầm soát ở cùng một độ tuổi. Ví dụ, những người có tiền căn gia đình gia đình có người mắc một số loại ung thư thì cần được bắt đầu tầm soát loại ung thư đó ở độ tuổi sớm hơn so với những người khác. Mỗi người cũng có khoảng thời gian giữa các lần tầm soát khác nhau. Do đó, bạn cần phải hỏi bác sĩ các vấn đề sau: Tôi nên tầm soát loại ung thư gì? Có những phương tiện nào có thể được dùng để tầm soát? Tôi nên bắt đầu tầm soát lúc bao nhiêu tuổi? Bao lâu thì tôi nên tầm soát một lần?

7. Những loại ung thư cần tầm soát

Ung thư vú: Phụ nữ có thể bắt đầu tầm soát ung thư vú ở tuổi 40 - 44 bằng nhũ ảnh nếu muốn; phụ nữ ở độ tuổi 45-54 nên được chụp nhũ ảnh hàng năm; từ 55 tuổi trở lên có thể chọn tiếp tục chụp nhũ ảnh 1-2 năm/1 lần.

Ung thư cổ tử cung: Ung thư cổ tử cung cần được tầm soát bắt đầu từ năm 21 tuổi; phụ nữ dưới 21 tuổi không cần phải tầm soát; phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 29 cần được thử Pap mỗi 3 năm 1 lần; phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 65 phải có cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm một lần, hoặc thử nghiệm Pap đơn độc mỗi 3 năm một lần.

Ung thư đại trực tràng: Người lớn có nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng thường xuyên ở tuổi 45, nhưng những người có tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ khác nên trao đổi với bác sĩ về việc bắt đầu sớm hơn. Một số xét nghiệm có thể được sử dụng để sàng lọc ung thư đại trực tràng, bao gồm nội soi đại trực tràng, xét nghiệm máu ẩn trong phân; việc tầm soát nên được thực hiện định kỳ cho đến năm 75 tuổi.

Ung thư phổi: Những người có nguy cơ ung thư phổi cao có thể thực hiện CT Scan; nguy cơ cao là những người còn hút thuốc hoặc những người đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm, có tiền sử hút thuốc trung bình 1 gói/1 ngày trong ít nhất 30 năm hoặc  2 gói một ngày trong 15 năm.

Ung thư tuyến tiền liệt: Tầm soát nên bắt đầu từ tuổi 50 cho đàn ông có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trung bình và dự kiến sống ít nhất 10 năm nữa; tầm soát ở tuổi 45 cho những người đàn ông có nguy cơ cao hơn, nam giới có cha hoặc anh trai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trước tuổi 65.

Ung thư buồng trứng: Tầm soát ung thư buồng trứng chỉ được khuyến cáo cho những bệnh nhân có tiền căn gia đình bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, có độ tuổi từ 30-35.

8. Làm gì để giảm nguy cơ ung thư?

Ở mọi lứa tuổi nên có lối sống lành mạnh sẽ giúp làm giảm nguy cơ ung thư: Không hút thuốc lá; giữ cân nặng hợp lý; vận động thường xuyên; ăn uống khoa học với thật nhiều trái cây và rau xanh; giảm bớt lượng bia rượu (nếu có uống); bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời; biết được tiền sử bệnh của bản thân, gia đình và những yếu tố nguy cơ ung thư của mình; thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm tầm soát ung thư.

BS DIỆP BẢO TUẤN (PGĐ BV Ung Bướu TPHCM

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top