Chủ động phòng, chống dịch sởi

08:50 - Thứ Sáu, 09/11/2018 Lượt xem: 8064 In bài viết

ĐBP - Thời tiết, khí hậu chuyển mùa là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp như: Tay - chân - miệng, sởi, cúm, tiêu chảy... Tính đến ngày 10/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 635 trường hợp mắc sởi, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ðiện Biên Ðông (285 ca), Mường Chà (304 ca), Mường Lay (33 ca) và Ðiện Biên (13 ca). Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc sởi đã giảm, song ngành Y tế các địa phương vẫn phải chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống dịch sởi, hạn chế sự lây lan của bệnh.

 

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Chà thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Quang Hưng

Mường Chà là địa phương có nhiều ca mắc sởi nhất trong tỉnh thời gian qua, trong đó ca bệnh mắc sởi đầu tiên khởi phát từ ngày 22/06/2018 tại bản Huổi Meo, xã Mường Mươn. Dịch sởi được ghi nhận tại 5/12 xã trên địa bàn huyện, chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, các vùng kinh tế khó khăn, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo, nhận thức của người dân về bệnh sởi chưa được tốt, tỷ lệ tiêm chủng thấp, như các xã: Sá Tổng, Mường Tùng, Hừa Ngài. Hiện, số ca mắc đã có dấu hiệu giảm, song vẫn ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới, nơi người dân khó tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Ông Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây nhiễm cao, nhất là trẻ em chưa có miễn dịch với vius sởi mà tiếp xúc với nguồn lây thì khả năng mắc bệnh là rất lớn. Bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch nên trẻ em mắc bệnh rất dễ bị biến chứng do mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Chính vì vậy, ngay từ khi dịch sởi xảy ra tại xã Mường Mươn, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh sởi. Bám sát chỉ đạo của cấp trên, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà đã triển khai nhiều giải pháp, như: Kiểm tra, giám sát hỗ trợ hoạt động điều tra, xác minh các yếu tố dịch tễ, triển khai các biện pháp chống dịch sởi và công tác triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi/rubella cho trẻ từ 1 - 4 tuổi tại các xã; tiến hành điều tra từng ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán tác nhân gây bệnh và chủ động giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế, nhằm phát hiện các trường hợp mắc mới. Ðồng thời, thông báo tình hình dịch bệnh tới lãnh đạo chính quyền địa phương, nhân dân trong xã được biết cùng tham gia phòng, chống dịch. Tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại các bản có ca bệnh và những vùng lân cận về dấu hiệu nhận biết bệnh sởi và biện pháp phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng bệnh. Triển khai phun hóa chất khử trùng bề mặt toàn bộ lớp học, nơi làm việc, nơi ở, phòng bệnh, giường bệnh và các khu vực xung quanh có trường hợp mắc bệnh bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin B. Ðặc biệt, chú trọng điều trị các bệnh nhân có diễn biến nặng, còn các bệnh nhân có biểu hiện nhẹ có thể chăm sóc và điều trị tại Trạm Y tế xã và cộng đồng…

Ðể chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sởi, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh năm 2018 với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, không để xảy ra trường hợp tử vong do sởi trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ em 1-10 tuổi tại 4 huyện, thị xã có dịch sởi và nguy cơ cao bùng phát dịch sởi. Trong đó, triển khai các biện pháp để phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế thấp nhất sự lây lan. Bảo đảm tuân thủ phân tuyến điều trị, cách ly bệnh nhân, phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, điều trị hiệu quả hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Ðối với trẻ từ 1-10 tuổi tại 4 huyện, thị xã có dịch sởi và nguy cơ cao bùng phát dịch sởi tiến hành tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin sởi - rubella; đảm bảo đạt tỷ lệ trên 95% ở quy mô xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và lợi ích của tiêm vắc xin sởi - rubella phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Hiện nay, số bệnh nhân mắc sởi trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu giảm, song không thể chủ quan vì bệnh sởi xuất hiện rải rác quanh năm, thường phát triển mạnh vào mùa đông - xuân. Vì vậy, ngành Y tế cần phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi. Ngoài sự vào cuộc ngăn chặn dịch sởi bùng phát của các cơ quan chuyên môn thì mỗi người dân hãy nâng cao nhận thức về việc tiêm phòng cho con, em mình; đồng thời chú ý vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; tự giác thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy, hạn chế các tác nhân gây bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Quang Hưng
Bình luận
Back To Top