Luận bàn & hành động

Tăng liên thông, giảm chi phí

14:54 - Thứ Ba, 04/12/2018 Lượt xem: 6757 In bài viết

Ngày 27-2-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Theo đó, từ ngày 1-8-2017, 38 bệnh viện tuyến trung ương trên toàn quốc chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Đến năm 2020, việc liên thông sẽ được triển khai trong phạm vi tuyến tỉnh và đến năm 2025 là trên toàn quốc.

Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm các bệnh viện, viện y tế dự phòng thực hiện khoảng 475 triệu lượt xét nghiệm, con số này tăng khoảng 10% mỗi năm. Nếu giảm được 1% số xét nghiệm trên thì mỗi năm bớt được 4,75 triệu lượt. Tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì có thể tiết kiệm khoảng 237,5 tỷ đồng.


Dẫn ra mấy con số thống kê trên để thấy, việc liên thông kết quả xét nghiệm mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh. Mặt khác, liên thông kết quả xét nghiệm là bộ công cụ để đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện nói chung, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng xét nghiệm nói riêng. Đây được xem là bước đệm quan trọng nhằm tiến tới đồng bộ và liên thông các hồ sơ, dữ liệu, bệnh sử của bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên cả nước. Điều này sẽ không chỉ giúp việc quản lý sức khỏe bệnh nhân hiệu quả hơn mà còn khắc phục được tình trạng lạm dụng bảo hiểm xã hội hiện nay.

Lợi ích đã rõ, song việc triển khai liên thông kết quả xét nghiệm đang gặp không ít khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Thực tế, sau hơn một năm triển khai, đến nay mới có 28 bệnh viện được thí điểm liên thông kết quả xét nghiệm - thấp hơn 10 bệnh viện so với mục tiêu đề ra. Theo quy định, để được liên thông kết quả xét nghiệm, các bệnh viện phải có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 15189. Trong khi, hiện cả nước mới có hơn 50 phòng xét nghiệm đạt chứng chỉ này. Để tất cả các phòng xét nghiệm (khoảng 3.000 phòng) đạt tiêu chuẩn ISO 15189 cần phải có thời gian, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Sở dĩ nhiều bệnh viện chưa công nhận kết quả của nhau cũng là vì các phòng xét nghiệm có chuẩn khác nhau, có thể xảy ra sai số nên cần phải xét nghiệm lại. Theo lý giải của các bệnh viện, do năng lực quản lý, chất lượng xét nghiệm, trình độ nhân lực, trang thiết bị... chưa đồng đều đã gây khó khăn trong việc chuẩn hóa chất lượng và kết quả xét nghiệm. Hơn nữa, chẩn đoán chính xác, có phương pháp điều trị đúng, hiệu quả - vấn đề quan trọng nhất đối với bệnh nhân, lại phụ thuộc một phần vào kết quả xét nghiệm.

Rõ ràng, để bảo đảm lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm như mục tiêu đề ra, trước hết cần chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm của các bệnh viện. Thứ hai là việc chuẩn hóa đội ngũ nhân lực làm trong các phòng xét nghiệm, bảo đảm có trình độ đồng đều trên toàn quốc. Cùng với đó, cần có hội đồng gồm những chuyên gia hàng đầu để kiểm tra chất lượng phòng xét nghiệm, trình độ nhân lực của phòng xét nghiệm các bệnh viện. Chỉ khi nào khắc phục được những bất cập trên thì việc liên thông kết quả xét nghiệm mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Liên thông kết quả xét nghiệm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bệnh và bệnh viện. Người bệnh kỳ vọng quá trình này được đẩy nhanh và trách nhiệm thuộc về ngành Y tế. Tất cả nhằm mục tiêu quan trọng là hướng đến phục vụ người bệnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top