Cảnh báo về thủ phạm gây ra các vụ ngộ độc tập thể

16:27 - Thứ Sáu, 14/12/2018 Lượt xem: 5734 In bài viết

Tính tới hết tháng 10-2018, trên cả nước đã xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), làm 2.710 người phải nhập viện, trong đó có 15 trường hợp bị tử vong.

Tại TP Hồ Chí Minh,  Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố cho biết, từ năm 2010 đến năm 2018, trên địa bàn đã xảy ra 54 vụ NĐTP, trong đó có tới 14 vụ do khuẩn "tụ cầu vàng" - (Staphylococcus aureus) gây nên. Các chuyên gia ATTP cũng đã xếp khuẩn "tụ cầu vàng" ở vị trí "thủ phạm số 1" gây ngộ độc tập thể.

Phía sau con số 26% vụ nhiễm khuẩn tụ cầu vàng

Theo nhận định của Cục ATTP (Bộ Y tế), trong khi phần lớn người tử vong do NĐTP gây ra được xác định chủ yếu do ngộ độc rượu, do ăn phải nấm độc, thì NĐTP gây ra cho số đông, nguy hiểm và gây hại rất lớn cho sức khoẻ con người chính là do ăn phải thực phẩm bị vấy nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Trong 54 vụ NĐTP xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia xác định: 26%/tổng số vụ NĐTP tập thể này là do khuẩn tụ cầu vàng.

Vụ NĐTP xảy ra gần đây nhất trên địa bàn mà nghi vấn nguyên nhân rất lớn do thực phẩm bị vấy nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng làm 55 trẻ em nhập viện xảy ra tại quận Tân Phú.

Theo nhận định của Ban quản lý ATTP thành phố, món chà bông gà trộn làm nhân của bánh mì mà các cháu ăn nghi bị nhiễm tụ cầu vàng Staphylococcus. Khi đoàn kiểm tra tới cơ sở xem xét qui trình các khâu chế biến từ thịt gà nguyên liệu, điều kiện sản xuất chà bông ở cơ sở khô gà Hà Trang (huyện Củ Chi), điều kiện chế biến bánh mì chà bông ở cơ sở Đồng Tiến (quận Tân Phú) đều phát hiện sai phạm.

Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố - bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, thức ăn bị nhiễm tụ cầu staphylococcus thường gây cho bệnh nhân có các biểu hiện cấp tính nhanh và mạnh. Ngoài ra, vụ việc gây ra một lúc  với số đông người ào ạt nhập viện do bị tiêu chảy, nôn ói. Do đó khi kiểm tra đoàn cán bộ chuyên môn đã tập trung về chất lượng nguyên liệu, quy trình làm chà bông gà và điều kiện, cũng như thời gian bảo quản.

Theo đó, cơ sở Đồng Tiến thực hiện chế biến bánh mì chà bông gà cung cấp cho Nhà thờ giáo xứ Tân Thái Sơn lúc 16h chiều 27-10. Đến 7h sáng 28-10, 300 phần chà bông được cung cấp cho nhà thờ. Đến 7h30, nhà thờ kể trên phát bánh mì cho các cháu tham gia chương trình hội thánh. 11h trưa, một số em có biểu hiện NĐTP đầu tiên với tình trạng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, được đưa vào Bệnh viện quận Tân Phú điều trị.

Vụ NĐTP tập thể này được coi là nghiêm trọng từ đầu năm tới nay vì có 30 bệnh nhân trong đó do bị rất nặng phải chuyển sang 3 BV Nhi của thành phố (gồm: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, và Nhi đồng Thành phố). Trong đó, tại Nhi đồng 1 có 11 em phải vào phòng hồi sức tích cực do sốc nặng.

Theo các bác sĩ BV Nhi đồng 1, khi các cháu bị NĐTP vào cùng một lúc, có 6 ca rất nặng. Do vậy dù là ngày chủ nhật nhưng BV đã huy động toàn bộ lãnh đạo trực, trưởng các khoa liên quan có mặt, xử lý cho các bệnh nhi. Riêng tại khoa cấp cứu, các bệnh nhi bị ói, tiêu chảy nhiều, có những em bị trụy mạch và sốc. 

Trong 5 trường hợp nhẹ hơn được chuyển lên khoa tiêu hóa, còn 6 trường hợp nặng ở lại khoa cấp cứu. Để cấp cứu cho các bé, các bác sĩ đã cho truyền dịch liên tục, cử điều dưỡng "canh" bệnh nhi cả đêm và đến sáng hôm sau, họ mới thở phào vì 4 ca nặng nhất đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn được chuyển vào phòng hồi sức, tiếp tục truyền dịch để ổn định sức khỏe.

 

Vụ ngộ độc thực phẩm làm 55 trẻ phải nhập viện tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh ngày 28-10.

Thức ăn đường phố vẫn là mối lo

Lý giải với PV Báo CAND về nguyên nhân xảy ra vụ NĐTP tại quận Tân Phú vừa qua, ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố cho biết, vụ NĐTP trên liên quan tới cơ sở bánh mì Đồng Tiến đã bị xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền 84 triệu đồng). Đây cũng là vụ việc đầu tiên "mở hàng" cho việc thực hiện xử lý xử phạt vi phạm qui định ATTP theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP về vi phạm qui định ATTP, tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng được đánh giá là mức xử lý, xử phạt đã  áp dụng “mạnh tay” hơn với các vi phạm về ATTP, đặc biệt là đối với kinh doanh thức ăn đường phố (TĂĐP).

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, ông Hải cũng cho rằng, công tác "quản" hệ thống kinh doanh từ quán TĂĐP còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay trên địa bàn thành phố đang quản lý tới 20.013 điểm kinh doanh TĂĐP. Trong đó theo phân cấp, thì các Trạm y tế xã, phường, thị trấn quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần phục vụ, kinh doanh TĂĐP. Như vậy việc quản lý khối này do cấp xã, phường, thị trấn. 

Về phía Ban Quản lý ATTP đã triển khai khá nhiều việc nhằm cải thiện điều kiện ATTP với nhóm kinh doanh này. Cho đến nay đã có 23/24 quận, huyện triển khai xây dựng các "mô hình điểm" với 60 xã, phường, thị trấn điểm kinh doanh TĂĐP, có 20 khu TĂĐP "sạch", chế biến đảm bảo ATTP. 

Từ năm 2014, mỗi quận, huyện xây dựng các phường, xã điểm về ATTP đối với thức ăn đường phố và xây dựng từ 1 đến 2 tuyến đường không có TĂĐP, sau đó nhân rộng trong các năm tiếp theo; tổ chức thường xuyên việc Tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về VS ATTP miễn phí cho các hộ; có chế độ miễn, giảm chi phí khám sức khỏe cho đối tượng kinh doanh TĂĐP... 

Thế nhưng, người kinh doanh vẫn chưa được xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ. Nhiều vụ việc khi xảy ra NĐTP xuống kiểm tra cho thấy, cơ sở sử dụng nguồn gốc nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ, chưa thực hiện ghi chép sổ quản lý nguồn nguyên liệu, điều kiện vệ sinh môi trường, nơi chế biến và trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo. 

Hộ kinh doanh TĂĐP thường buôn bán nhỏ lẻ, hoạt động trong một thời gian ngắn và không cố định trên địa bàn. Trong khi ấy, kinh phí phục vụ cho công tác quản lý TĂĐP còn hạn chế... Do vậy, đây là những "rào cản" chưa thể vượt qua với công tác quản lý  mà chưa thể khắc phục một sớm một chiều, là nguyên nhân gây ra NĐTP tập thể chưa thể dứt điểm.

Lập 12 đoàn kiểm tra ATTP dịp Tết Kỷ Hợi 2019

Ban Quản lý ATTP thành phố cho biết, để đảm bảo công tác ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019 sắp tới, Ban quản lý ATTP thành phố đã quyết định thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành. 

Các Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói thực phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, sẽ tập trung vào những nơi cung cấp thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán với quy mô lớn như: cơ sở nhập khẩu thực phẩm, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. 

Những mặt hàng trọng tâm cần kiểm tra gồm: bánh kẹo, mứt, bia – rượu, nước giải khát, thịt, trứng, sữa, thủy hải sản, các sản phẩm chế biến từ thịt, thủy hải sản... Theo đó, sẽ xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu bị phát hiện sai phạm.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top