Giữ gìn sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa đông

09:12 - Thứ Hai, 14/01/2019 Lượt xem: 6700 In bài viết

ĐBP - Người cao tuổi mọi chức năng cơ thể đều suy giảm, sức đề kháng kém nên vào mùa đông dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công hoặc những bệnh mãn tính gây ra các tác động xấu tới sức khỏe. Chính vì vậy, việc chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người  cao tuổi trong mùa đông là điều hết sức quan trọng và cần thiết.

 

Bác sĩ Khoa Lão - Tim mạch (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) thăm khám bệnh nhân.

Khoa Lão - Tim mạch luôn là nơi đông bệnh nhân hơn các khoa khác trong Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Nhất là vào thời điểm chuyển mùa. Như trường hợp của ông Sùng Sáy Tủa, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) vừa nhập vào Khoa Lão - Tim mạch điều trị các triệu chứng của bệnh viêm phổi mãn tính. Theo người nhà ông Tủa, thời gian gần đây sức khỏe của ông không tốt, cộng thêm thời tiết trở lạnh khiến ông ho liên tục trong nhiều ngày. Gia đình đưa ông xuống Phòng khám Ða khoa khu vực Mường Lay khám và điều trị. Sau gần 2 tuần nằm tại đây, bệnh tình của ông vẫn chưa có biến chuyển tốt nên ông được chuyển lên tuyến trên để các bác sĩ theo dõi thêm. Hay trường hợp của ông Nguyễn Văn Phong, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ cũng mới kết thúc đợt điều trị tại Khoa Lão - Tim mạch. Ông Phong cho biết: Tuổi đã cao nên khi thời tiết thay đổi, đau nhức xương khớp, ho, cảm cúm… là thường xuyên. Mấy hôm trước trời bỗng trở rét đột ngột, khiến tôi đau đầu, chóng mặt, có triệu chứng của tăng huyết áp nên đi khám và được các bác sĩ cho nhập viện điều trị. Ðến nay, tình trạng bệnh đã được kiểm soát, các bác sĩ nhất trí cho ra viện nhưng dặn dò tôi rất kỹ việc giữ gìn sức khỏe, nhất là khi thời tiết có những diễn biến xấu.

Bác sĩ Trần Thu Hiền, Phó trưởng khoa Lão - Tim mạch cho biết: Thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cho người cao tuổi vốn sức đề kháng đã kém lại càng dễ mắc bệnh. Những bệnh chủ yếu người cao tuổi thường mắc vào mùa đông về đường hô hấp, như: Viêm phổi, tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản, tâm phế mạn… Ngoài ra, thời điểm giao mùa đôi khi trở thành hiểm họa cho người mắc bệnh tim mạch bởi những biến chứng nguy hiểm dễ xảy ra, như: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… huyết áp cũng có xu hướng tăng cao. Nhất là những bệnh về khớp. Cũng do sức đề kháng kém nên không ít bệnh nhân còn mắc nhiều bệnh cùng một lúc, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Nhiều bệnh nhân tháng trước vừa ra, tháng sau lại tiếp tục nhập viện điều trị. Do vậy bệnh nhân cao tuổi nhập viện vào đầu mùa rét, nhất là đầu tháng 10, tháng 11 thường cao hơn và thành từng đợt trùng với thời điểm không khí lạnh tràn về. Riêng trong 3 tháng cuối năm 2018, khoa tiếp đón và điều trị gần 700 lượt bệnh nhân.

Theo bác sĩ Trần Thu Hiền, để chủ động phòng chống bệnh trong mùa đông, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, người cao tuổi nên đi tiêm phòng cúm, chú ý giữ gìn sức khỏe, tránh để nhiễm lạnh. Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe người cao tuổi trong mùa đông. Do cơ thể mùa đông lượng calo tiêu tốn nhiều hơn mùa hè để bù lại lượng nhiệt mất ra bên ngoài môi trường, nên người cao tuổi cần tăng cường thêm các nhóm năng lượng theo khẩu phần những bữa nhỏ. Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản, gồm: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, do hệ tiêu hóa của người cao tuổi kém nên ăn ở mức độ vừa phải, tránh ăn quá nhiều dễ gây phản tác dụng. Ðồng thời, cũng nên tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh. Người cao tuổi vẫn cần duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, hoặc đi lại, vận động cơ thể giúp cho khí huyết lưu thông ổn định. Khi tập luyện vào mùa đông còn giúp cho người cao tuổi tinh thần sảng khoái, duy trì và củng cố các hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết, giảm mỡ máu...

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top