Chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm cho trẻ

11:50 - Thứ Hai, 28/01/2019 Lượt xem: 9742 In bài viết

ĐBP - Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút lây lan gây bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có sức đề kháng yếu. Thực tế cho thấy trong những tuần gần đây, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, như: Sốt vi rút, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy… Do đó, các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức, cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

 

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Ða khoa tỉnh thăm, khám cho bệnh nhân.

Tại một phòng khám nhi trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, số lượng các bà mẹ đưa con tới khám, kiểm tra sức khỏe chật kín cả sảnh chờ. Theo ghi nhận, trẻ tới khám tại đây có số tuổi khác nhau, từ vài tháng đến 3 - 4 tuổi, nhưng đa số đều mắc các bệnh liên quan đến vi khuẩn, vi rút do thời tiết thất thường. Chị Trịnh Thị Hiên, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Mấy ngày trước cháu có biểu hiện ho, hắt hơi nhưng không thường xuyên nên chị nghĩ chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể. Ðến hôm nay cháu mới có biểu hiện sốt cao hơn 39 độ, quấy khóc, mệt mỏi… chị vội đưa cháu đến phòng khám nhi để kiểm tra thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt vi rút. Theo bác sĩ giải thích, cơ thể cháu bị nhiễm vi rút từ nhiều ngày trước, sau thời gian ủ bệnh vi rút sẽ nhân lên tới khi đủ cao để gây ra các triệu chứng của bệnh. Sốt vi rút hầu hết không gây nguy hiểm và bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 7 - 10 ngày. Vì vậy, bác sĩ khuyên chị cho cháu uống thuốc tăng cường đề kháng, thuốc hạ sốt nếu cháu sốt cao trên 38,5 độ. Trong trường hợp sốt cao không dứt cần đưa đến bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm. Còn phụ huynh của cháu Nguyễn Quỳnh Chi (10 tháng tuổi), phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) tạm thở phào vì cháu mới được ra viện sau những ngày điều trị tiêu chảy. Chị Phạm Thùy Linh, mẹ của cháu Quỳnh Chi, chia sẻ: Mấy ngày trước cháu bỗng nhiên đi ngoài phân lỏng nhiều nước, lại đi nhiều lần trong ngày. Không chỉ vậy, cháu còn quấy khóc, vật vã, bỏ bú… Lo lắng cho sức khỏe của cháu, gia đình lập tức đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. May mắn là cháu chỉ bị nhẹ nên nhanh chóng hồi phục. Sau việc này chị rút ra thêm được kinh nghiệm trong việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ.

Theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), từ đầu tháng 1 tới nay có 47 trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị. Trẻ nhập viện với các triệu chứng bệnh, như: sốt, viêm long đường hô hấp trên, sởi, thủy đậu… Có một số trường hợp gia đình cho trẻ tới các phòng khám ngoài không đỡ mới đưa vào viện nên việc điều trị mất nhiều thời gian, phức tạp hơn. Bác sĩ Cao Văn Thắng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết: Bệnh truyền nhiễm là các bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi) do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Một số bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu chủ quan không điều trị sớm, đúng cách và dứt điểm có thể gây những biến chứng đáng tiếc. Ví dụ như bệnh sốt vi rút có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày nhưng nếu chủ quan có thể dẫn tới các bệnh nguy hiểm hơn như viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản… Ðể trẻ phát triển khỏe mạnh các phụ huynh nên hiểu về các bệnh truyền nhiễm thường gặp cũng như biết cách phòng chống bệnh nhiễm bệnh trong cuộc sống hằng ngày. Trong đó, cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Ðồng thời, giữ ấm cơ thể cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho khi đi xe máy, khi ra ngoài trời, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ; làm sạch đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch; vệ sinh môi trường nơi ở và xung quanh sạch sẽ. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Chú trọng việc cho trẻ ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Các bậc phụ huynh cũng cần cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi trẻ có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top