Xuất hiện bệnh nhân viêm màng não do biến chứng sởi

09:18 - Thứ Tư, 20/02/2019 Lượt xem: 6417 In bài viết

Đó là bệnh nhân Đ.V.H (28 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhập viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da có nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết.

Theo người nhà bệnh nhân H thì người bệnh sốt cao, sau 3 ngày xuất hiện phát ban, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. 

Khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc được chẩn đoán là sốt phát ban, xét nghiệm IgM sởi dương tính. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn định hướng, khó tiếp xúc, bí tiểu. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi và được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

Viêm não – viêm màng não sau sởi là một biến chứng kiếm gặp, tuy nhiên đây là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não – viêm màng não năm nay. Bệnh nhân đang ở tình trạng khá nặng, rối loạn ý thức, đang được theo dõi tại phòng hồi sức cấp cứu.

 

Người lớn và trẻ nhỏ cần tiêm phòng sởi đủ và đúng liều.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cương, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng tinh thần, thể chất.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện cả nước có 43 tỉnh, thành rải rác có người mắc sởi, trong đó nhiều nhất phải kể tới: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nghệ An, Yên Bái…Hà Nội có số ca mắc bệnh sởi tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2018. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tuần từ 11-2 đến 17-2, Hà Nội ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số người mắc sởi từ đầu năm 2019 lên 192 trường hợp.

Nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng nhanh là do nhiều người bệnh (trẻ em và người lớn) chưa tiêm phòng vaccine sởi hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, mặc dù tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số quận, huyện tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu. 

Không chỉ trẻ em trên 9 tháng tuổi mới mắc sởi mà đã ghi nhận trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vẫn mắc bệnh. Đó là trường hợp bệnh nhi 7 tháng tuổi ở Đoan Hùng, Phú Thọ vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng phát ban đỏ toàn thân, chảy nước mũi, sốt cao và được chẩn đoán là mắc sởi.

Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện NhiTrung ương cho biết đa số các ca sởi nhập là do chưa tiêm phòng. Từ đầu năm đến nay rải rác có các ca vào điều trị sởi, có bà mẹ chủ quan không tiêm phòng cho con. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, có bà mẹ con được 10 tháng nhưng không tiêm phòng vaccine sởi mà lại chờ mũi dịch vụ sởi -rubella nhưng chưa kịp tiêm thì con đã mắc. Không chỉ mùa đông – xuân dễ lây lan bệnh sởi mà theo BS Hải còn các bệnh truyền nhiễm khác cùng gia tăng như cúm và khuyến cáo phụ huynh lưu ý tiêm phòng đầy đủ cho con.

Theo Cục Y tế dự phòng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các ca mắc sởi mới vì đây là thời điểm mùa đông – xuân dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân thực hiện các biện pháp phòng tránh để hạn chế lây chéo. 

 
Đặc biệt khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng liều; người lớn chưa bị sởi cũng cần phải đi tiêm phòng. Trẻ dưới 9 tháng tuổi tránh tiếp xúc với nơi tập trung đông người và chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ.
P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top