Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn bùng phát dịch sởi

10:26 - Thứ Năm, 21/02/2019 Lượt xem: 8159 In bài viết

ĐBP - Hiện cả nước đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi. Trong đó TP. Hồ Chí Minh có 987 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị từ ngày 1/1 - 10/2; tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 53 trường hợp mắc bệnh sởi từ ngày 14/1 đến nay và TP. Hà Nội đã có 114 ca mắc sởi từ đầu năm đến nay. Đến thời điểm hiện tại Điện Biên đã ghi nhận 16 ca dương tính với bệnh sởi ở huyện Nậm Pồ và phát hiện ổ dịch sởi tập trung tại bản Huổi Chổn, xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên), ghi nhận thêm 15 ca mắc sởi. Điều đó cho thấy nguy cơ lây lan, bùng phát bệnh sởi là rất cao, với số ca bệnh sởi hiện đang tăng nhanh và ở nhiều độ tuổi khác nhau.

 

Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) tiêm phòng sởi cho trẻ tại bản Nà Pen, xã Nà Nhạn.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) cho thấy, từ đầu năm đến ngày 19/2, toàn tỉnh đã phát hiện 68 ca sốt phát ban nghi sởi. Chiều 20/2, tại Phòng khám Đa khoa khu vực Nà Tấu vẫn còn gần chục trường hợp mắc sởi đang được điều trị, chủ yếu là các ca mắc sởi ở bản Huổi Chổn (xã Nà Nhạn) và một số ca mắc sởi mới được phát hiện trên địa bàn xã Nà Tấu. Bác sĩ Lò Văn Thưởng, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Nà Tấu (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên), cho biết: Bên cạnh việc theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân mắc sởi từ bản Huổi Chổn, vài ngày trước đơn vị đã tiếp nhận 2 ca mắc sởi trên địa bàn xã Nà Tấu. Vì bệnh do siêu vi của đường hô hấp trên nên có nguy cơ lây lan, bùng phát nhanh trên diện rộng. Ban đầu, bệnh thường có các triệu chứng là sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sưng, nhưng sau 3 - 4 ngày sẽ xuất hiện những nốt ban đặc trưng của sởi, thường ở mặt, sau đó đến tai, ngực, bụng rồi đến tay chân. Điều đáng chú ý là hầu hết các bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm phòng, tiêm không đủ liều hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng nên gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Từ thực tế diễn ra ở bản Huổi Chổn, chúng tôi được biết, trong số 15 ca mắc sởi thì có 2 trẻ em chưa tiêm vắc xin sởi, 1 trẻ không được tiêm, 11 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng và 1 trẻ đã được tiêm hoặc tiêm trên 2 mũi vắc xin có thành phần phòng bệnh sởi. Như vậy, tổng số 15 ca mắc sởi chỉ có 1 trẻ đã được tiêm hoặc tiêm trên 2 mũi vắc xin có thành phần phòng bệnh sởi là quá ít.

Nói về trường hợp mắc sởi đầu tiên tại bản Huổi Chổn, xã Nà Nhạn, anh Quàng Văn Lún, Phó trưởng trạm phụ trách Trạm Y tế xã Nà Nhạn, cho biết: Ca mắc sởi đầu tiên trong bản Huổi Chổn là bệnh nhân Vừ A Nụ (SN 1993) cũng là bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc sởi rubella, các loại vắc xin có chứa thành phần phòng bệnh sởi. Ngày 16/1, bệnh nhân có biểu hiện sốt kèm theo ho, đau đầu, đau mỏi khắp người, ăn uống kém và bệnh nhân tự mua thuốc kháng sinh về điều trị nhưng không đỡ. Đến ngày 20/1, nốt ban bắt đầu mọc khắp mặt, sau đó lan ra toàn thân, bệnh nhân ho nhiều, mắt đỏ kèm theo tiêu chảy nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và điều trị. Khi được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm thì bệnh nhân Nụ dương tính với vi rút sởi. Trước trường hợp của Nụ, trong bản không ai có dấu hiệu bệnh như vậy, nhưng đến ngày 17/2 đã ghi nhận 15 trường hợp mắc sởi. Điều đó cho thấy mức độ lây lan rất nhanh của bệnh sởi. Vì vậy, Trạm Y tế xã Nà Nhạn đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) nhanh chóng tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tiêm vắc xin sởi, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại bản xảy ra dịch và bản lân cận để kiểm soát dịch sởi không phát tán rộng ra cộng đồng.

 

Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch sởi cho người dân bản Nà Pen, xã Nà Nhạn.

Về phía cơ quan chức năng, bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), cho biết: Sởi là bệnh thường xảy ra vào mùa đông – xuân. Tuy nhiên khi thời tiết thay đổi và không khí lạnh, bệnh sởi có nguy cơ bùng phát, lây lan cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, người dân ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, việc chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế lại càng dễ phát sinh bệnh sởi. Xác định mức độ lây lan và bùng phát bệnh sởi nên đơn vị đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, trạm y tế các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, như: Tập trung xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh; giám sát, phát hiện các trường hợp mắc mới tại các cơ sở y tế, cộng đồng; tiến hành thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân kịp thời, hiệu quả, thực hiện phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị, cấp cứu bệnh nhân, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh. Tăng cường công tác tiêm vắc xin sởi đảm bảo chất lượng theo đúng quy định; xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B tại các gia đình, các thôn bản có ca bệnh, nhằm hạn chế bùng phát bệnh dịch…

Để phòng, chống bệnh sởi, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo nhân dân cần đưa trẻ 9 tháng tuổi đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin sởi và tiêm nhắc lại mũi thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Các bà mẹ và gia đình chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ, khi trẻ có biểu hiện lạ cần đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị; đồng thời thông báo đến cơ quan y tế để kịp thời nắm tình hình dịch bệnh. Phụ huynh hãy cách ly trẻ mắc sởi, không cho đến trường vì bệnh sởi dễ lây lan trong trường học, cộng đồng dân cư. Gia đình, trường học thường xuyên lau rửa sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ học tập và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân để hạn chế tiếp xúc với vi rút sởi. Đối với các trường hợp đã mắc sởi thì gia đình nên đưa đến các cơ sở y tế để điều trị, không nên điều trị tại nhà để đảm bảo sức khỏe cho người thân, gia đình và cộng đồng. 
Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top