Chủ động phòng chống dịch bệnh trên người

09:31 - Thứ Sáu, 15/03/2019 Lượt xem: 7384 In bài viết

ĐBP - Hiện nay thời tiết có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Ðặc biệt, đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm trên người. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngoài việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh của ngành y tế thì mỗi cá nhân, gia đình cần nâng cao ý thức tự phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Theo dự báo của ngành Y tế tỉnh, thời điểm này một số dịch bệnh dễ xảy ra, như: bệnh tay chân miệng, cúm, hô hấp, sởi, rubella, tiêu chảy, dại... Một số dịch bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh trong khi hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, một bộ phận người dân chưa hợp tác với ngành y tế thực hiện vệ sinh môi trường triệt để nhằm phòng chống dịch, chưa chủ động đưa con, em đi tiêm chủng theo hướng dẫn. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) cho thấy, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 130 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi, chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi trên địa bàn huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và huyện Ðiện Biên. Ðây là những huyện trong năm 2018 chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ca mắc bệnh dại, cúm A, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, tiêu chảy… song các nguồn bệnh đều được cơ sở y tế phát hiện sớm, xử lý, dập tắt kịp thời, không có biến chứng nặng, không có ca tử vong.

Ông Ðoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Ðể tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với dịch sởi, hiện nay Trung tâm đang tiến hành công tác tuyên truyền và tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ em từ 1 - 5 tuổi đối với 6 huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ. Hầu hết những ca mắc sởi thời gian qua đều là những trường hợp chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm nhắc lại. Ðối với bệnh dại, đơn vị đã có văn bản trình các cấp, ngành, UBND tỉnh cấp kinh phí để mua thêm vắc xin tiêm phòng cho người nghèo. Ðặc biệt, trong thời điểm lễ hội diễn ra, một số loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, như: tả, thương hàn, ngộ độc cấp, nhiễm tụ cầu… Trung tâm đã tăng cường giám sát; giao các đơn vị y tế trực thuộc thường xuyên kiểm tra, phối hợp với cơ quan Vệ sinh an toàn thực phẩm tuyên truyền, khuyến cáo người dân vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn, nên ăn chín, uống sôi và tăng cường dinh dưỡng để phòng, chống dịch bệnh. Ðồng thời, yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: Sởi, ho gà… đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người. Nếu có ca nhiễm phải nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Biện pháp phòng, chống dịch lâu dài và hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh. Ðối với những loại dịch bệnh đã có vắc xin phòng thì người dân cần tích cực tham gia hưởng ứng việc tiêm chủng đầy đủ. Ðối với những loại dịch bệnh mới phát hiện hoặc chưa có vắc xin phòng chống thì trong khi đợi ngành chức năng có biện pháp xử lý, người dân nên bình tĩnh theo dõi diễn biến tình hình, tăng cường công tác vệ sinh nhà cửa, cá nhân.

Mặc dù diễn biến các loại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chưa xảy ra phức tạp, tuy nhiên công tác phòng chống dịch bệnh còn gặp khó khăn do người dân chưa chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Vẫn còn nhiều người dân không chỉ ở vùng cao mà ngay cả ở địa bàn thành phố cũng chưa chủ động đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng chống các loại bệnh. Ðiều này không chỉ gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh mà còn là điều kiện thuận lợi cho các mầm mống dịch bệnh phát triển, lây nhiễm. Vì vậy, để phòng tránh dịch bệnh tốt nhất, ngoài nỗ lực của ngành y tế, người dân cần có thái độ tích cực, đề cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top