Quản lý chặt chất lượng thực phẩm cung cấp vào trường học

10:13 - Thứ Ba, 19/03/2019 Lượt xem: 6650 In bài viết

An toàn thực phẩm (ATTP) trong nhà trường đang nóng hơn bao giờ hết khi hàng loạt trẻ em từ một đến 10 tuổi sinh sống trên địa bàn xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được gia đình đưa xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư khám và xét nghiệm sán lợn.

Kết quả bước đầu cho thấy trong số hơn 2.000 trường hợp đến khám và xét nghiệm, có 209 trẻ dương tính với bệnh sán lợn.

Điều đáng nói, những trẻ này nhiễm bệnh có khả năng do trong khẩu phần bữa ăn bán trú tại trường học có thịt lợn nhiễm bệnh sán lợn do chính cô nuôi phát hiện. Vụ việc này đã khiến phụ huynh học sinh và dư luận xã hội hoang mang, lo lắng và bất bình.

Mặc dù khi ký hợp đồng cung cấp thực phẩm vào cơ sở giáo dục, các đơn vị, cá nhân đều cam kết về nguồn gốc thực phẩm bảo đảm an toàn. Thế nhưng chất lượng các bữa ăn có thật sự an toàn như cam kết luôn là sự băn khoăn, lo lắng đối với các phụ huynh có con nhỏ sử dụng bữa ăn bán trú tại trường học.

Có hay không sự thông đồng giữa nhà thầu cung cấp thực phẩm với người có liên quan dẫn đến xà xẻo chất lượng bữa ăn của trẻ? Có hay không việc chạy theo lợi nhuận để mua thực phẩm bệnh, ôi thiu đưa vào bữa ăn cho các cháu? Cơ chế giám sát thế nào? Trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm trong nhà trường cho thấy quá trình, từ cung cấp đến chế biến, bảo quản, phân phối thực phẩm đang có vấn đề...; việc giám sát về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ. Thậm chí có ý kiến cho rằng, các đơn vị này chỉ vì “lợi ích nhóm” mà làm sai những quy định, coi thường sức khỏe của con trẻ.

Trở lại vụ việc tại huyện Thuận Thành, dư luận đang rất mong chờ chính quyền địa phương và các ngành chức năng khẩn trương điều tra, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo pháp luật. Có như vậy mới có thể kịp thời răn đe những tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, thiết nghĩ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Bắc Ninh cần phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị khám, xét nghiệm, điều trị trong thời gian sớm nhất, không chỉ cho các trẻ, mà toàn bộ người dân sinh sống trên địa bàn để căn bệnh này không lây lan ra cộng đồng và khu vực chung quanh. UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo tiến hành vệ sinh môi trường; tổ chức thanh tra, giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh tại các lò mổ lợn; thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bày bán trên thị trường, nhất là thịt lợn cung cấp cho các bếp ăn tập thể trong nhà trường, khu công nghiệp, bếp ăn tập trung đông người.

Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường học, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, các cơ quan chức năng cần vào cuộc có trách nhiệm hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm vệ sinh ATTP. Cần có hình thức xử lý nghiêm với đơn vị cung cấp thực phẩm và cả người đứng đầu trường học vi phạm ATTP, quy trách nhiệm đến cùng. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần tăng cường vai trò của phụ huynh trong việc giám sát nguồn gốc thực phẩm đầu vào của nhà cung cấp. Đồng thời đầu tư đồng bộ trang thiết bị chế biến thức ăn; chọn đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín, bảo đảm các điều kiện về ATTP, thực hiện quy trình chế biến thức ăn; tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP cho nhân viên bán trú.

Trẻ em có quyền được hưởng những gì tốt đẹp nhất từ gia đình và xã hội. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm, là lương tâm của mỗi người, của cả hệ thống chính trị. Những hành vi kinh doanh vô lương, nhất là lại nhằm vào trẻ em trong môi trường giáo dục cần phải bị lên án và trừng phạt nghiêm khắc.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top