Thuận lợi hơn cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội

09:37 - Thứ Sáu, 22/03/2019 Lượt xem: 7394 In bài viết

ĐBP - Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay được triển khai gắn với thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều đến đúng đối tượng. Người nghèo thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, giải quyết việc làm và được hỗ trợ từ nhiều nguồn lực để sản xuất, kinh doanh, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) tư vấn, khám sức khỏe cho người dân. Ảnh: Gia Kiệt

Theo tiêu chí cũ, hộ nghèo được xét theo tiêu chí đơn chiều (nghèo về thu nhập). Sau khi rà soát, nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin...) ở mức cơ bản. Vì vậy, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường theo hướng đa chiều vừa giúp xác định đối tượng nghèo chính xác, không bỏ sót vừa tạo cơ hội cho người nghèo được hưởng đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Ðể từ đó có giải pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp, hiệu quả. Nhiều hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo. Ðơn cử như việc người dân tiếp cận thông tin đã mở ra rất nhiều hướng làm kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Ðể thực hiện được điều đó, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương trong toàn tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, cung cấp thông tin về xuất khẩu lao động (giới thiệu thị trường lao động chủ yếu, thị trường tiềm năng; chế độ, chính sách đối với người làm việc tại nước ngoài, các ngành nghề lao động đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều…); tuyên truyền nội dung chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh theo Quyết định số 15/2017/QÐ - UBND, ngày 21/7/2017 của UBND tỉnh… Ðược tiếp cận thông tin hữu ích, người lao động có cơ hội để tìm kiếm, lựa chọn việc làm phù hợp; cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh thông qua các chương trình, dự án đã giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo. Anh Sùng A Chính, bản Huổi Dạo, xã Vàng Ðán (huyện Nậm Pồ) cho biết: Nhờ được tiếp cận thông tin về các chính sách lao động, việc làm và được chính quyền địa phương vận động đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, gần 2 năm trước tôi đã đăng ký đi làm việc tại Công ty Cổ phần Than Núi Béo (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) tại tỉnh Quảng Ninh. Từ lao động chưa qua đào tạo, tôi được học nghề mỏ hầm lò và làm việc trực tiếp tại hầm mỏ. Với thu nhập từ 15 - 18 triệu đồng/người/tháng đã giúp gia đình tôi dần bớt khó khăn và có tích lũy để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.

Hay như việc được tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn với hệ thống khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở đã giúp người dân, nhất là người nghèo sinh sống ở vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực, thể trạng, đảm bảo giống nòi tốt hơn. Tại xã biên giới Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), nhờ được tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, đầy đủ nên nhiều năm qua không để xảy ra tình hình dịch bệnh, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; tiêm chủng, tuyên truyền về tình trạng hôn nhân cận huyết, tảo hôn… được triển khai đầy đủ đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, hạn chế số cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Trong năm  2018 có hơn 3.400 lượt người trên địa bàn được khám, điều trị bệnh; hàng nghìn hộ dân được truyền thông y tế, ăn chín uống sôi, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Hồ Chử Dung, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ cho biết: Nhờ sự đầu tư của Ðảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án; nhất là việc được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nước sinh hoạt…) đã giúp người dân được chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí, cải thiện điều kiện sống và tăng thu nhập. Dù còn nhiều khó khăn, song tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 64,32%. Nhiều hộ trên địa bàn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi đại gia súc vươn lên thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Với phương pháp tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều, từ năm 2016 tỉnh thực hiện chương trình giảm nghèo theo hướng cải thiện, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở từng lĩnh vực, địa bàn, sử dụng nguồn lực tập trung, hiệu quả. Căn cứ theo mức độ thiếu hụt nhu cầu cơ bản để các địa phương, đơn vị có giải pháp đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực; giảm dần chính sách cấp phát, cho không hộ nghèo mà chuyển sang hình thức cho vay theo cơ chế chính sách cụ thể đến từng đối tượng, tạo ý thức cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Với cách làm này, trong năm 2018 đã giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động; giúp trên 3.500 hộ thoát nghèo (giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 37,45%).

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top