Nguy cơ nào từ nhiễm khuẩn do nội soi tiêu hóa

15:15 - Thứ Hai, 25/03/2019 Lượt xem: 7154 In bài viết

TS, BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tùy theo từng loại nội soi tiêu hóa, người bệnh có thể mắc phải những vi khuẩn đặc trưng như hp, virus viêm gan, thương hàn...

 

TS, BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai.

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị kiểm soát nhiễm khuẩn nội soi tiêu hóa dành cho điều dưỡng do khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức sáng 23-3 nhằm cung cấp những kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn cho điều dưỡng để nâng cao hơn nữa công tác này, giảm những nguy cơ nhiễm khuẩn.

Khoa Tiêu hóa hiện có ba khu nội soi và một khu điều trị nội trú. Phòng nội soi duy trì 6-8 bác sĩ và 25 điều dưỡng. Năm 2018, khoa thực hiện 12.836 ca nội soi đại tràng và 52.299 ca nội soi dạ dày với trung bình thực hiện 400 ca nội soi/ngày.

TS Vũ Trường Khanh cho biết, bệnh tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao trên thế giới và nội soi là phương pháp duy nhất để thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa. “Với tỷ lệ gần 400 ca nội soi/ngày, việc kiểm soát nhiễm khuẩn khi nội soi rất quan trọng. Số lượng bệnh nhân quá đông nhiều khi không đủ thời gian đáp ứng việc khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ nội soi. Quy định về chống nhiễm khuẩn chưa được tuân thủ tốt”, BS Khanh nói.

Theo BS Khanh, việc kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt gây ra nguy cơ nhiễm khuẩn từ người này sang người khác. Với nội soi đường tiêu hoá trên, người bệnh có khả năng nhiễm vi khuẩn hp; chụp mật tuỵ ngược dòng có nguy cơ nhiễm hp, virus viêm gan; với tiêu hóa đường dưới có trường hợp bị lây thương hàn...

Theo điều dưỡng Phạm Văn Phúc, việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội soi tiêu hóa còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhân lực cho công tác khử khuẩn chưa được chú trọng; các khóa đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội soi rất ít. “Nhân viên chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa chưa có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn. Các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn nội soi tiêu hóa tiếp cận chủ yếu dưới hình thức hướng dẫn lại. Nhân viên phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn mới chỉ dừng lại ở hướng dẫn những gì mình biết, chưa kiểm việc triển khai”, điều dưỡng phúc cho hay.

Khu vực khử khuẩn chưa tách biệt với phòng nội soi và cũng chưa có sự tách biệt phòng nội soi đường tiêu hóa trên – tiêu hóa dưới… Đặc biệt, số lượng dây nội soi và máy rửa tự động hạn chế, vẫn phụ thuộc vào phương pháp rửa thủ công.

Điều dưỡng Phạm Văn Phúc đề xuất, để giảm thiểu nhiễm khuẩn từ nội soi tiêu hóa, ngoài việc cần được đào tạo kiến thức và có quản lý, giám sát nhiễm khuẩn, việc quan trọng là cần ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ quản lý dược, vật tư tiêu hóa…. Đặc biệt, dụng cụ tái sử dụng phải bảo đảm cơ số đủ để tuân thủ quy trình khử khuẩn.

Về nguy cơ nhiễm hp có liên quan gì tới ung thư dạ dày, TS Khanh cho biết, Việt Nam có khoảng 60% dân số bị nhiễm vi khuẩn hp, nhưng không phải trường hợp nào cũng cần diệt hp. Theo đó, những người ăn mặn; ăn nhiều đồ muối chua; có triệu chứng khó chịu loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hóa; có yếu tố gia đình có người từng bị ung thư dạ dày thì nên diệt hp dự phòng.

“Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm hp cao nhưng không phải là nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao trên thế giới. Khoảng 50 triệu người Việt Nam bị nhiễm hp và tỷ lệ tái nhiễm rất cao do thói quen ăn uống chung đồ của chúng ta. Trên 40 tuổi, mọi người nên tầm soát ung thư sớm hệ tiêu hóa bằng phương pháp nội soi”, BS Khanh khuyến cáo.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top