Phòng, chống bệnh dại trên người

09:17 - Thứ Sáu, 29/03/2019 Lượt xem: 7420 In bài viết

ĐBP - Bệnh dại rất nguy hiểm do lây từ động vật sang người, dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Tại tỉnh ta, năm nào cũng xuất hiện trường hợp tử vong do bệnh dại. Ước tính từ năm 2010 đến nay đã có hơn 40 người tử vong do bệnh dại. Nhằm giảm tới mức thấp nhất số người tử vong do bệnh dại, cùng với việc các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống bệnh dại, mỗi người dân phải luôn nêu cao ý thức phòng chống bệnh.

Gần đây nhất vào trung tuần tháng 2, anh Thùng Văn Ơn (SN 1983), bản Pa Tần, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) tử vong vì bệnh dại. Nguyên nhân chủ yếu do chủ quan trong công tác phòng chống bệnh. Theo người nhà bệnh nhân Thùng Văn Ơn kể lại: Trước khoảng vài ba ngày được đưa về Bệnh viện Ða khoa tỉnh khám, điều trị, anh Ơn xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng, tức ngực, mất ngủ. Sau đó tình trạng bệnh diễn biến xấu hơn khi bệnh nhân hốt hoảng, kêu la, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, tăng tiết đờm dãi và được các bác sĩ chẩn đoán theo dõi dại lên cơn. Kết quả xét nghiệm của Viện Dịch tễ Trung ương thông báo mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Thùng Văn Ơn dương tính với vi rút dại. Ðược biết, khoảng 2 năm trở lại đây, bệnh nhân Ơn không bị chó, mèo cắn; nhưng vào tháng 4/2018, bệnh nhân tham gia mổ chó mua từ bản Huổi Quang (xã Pa Tần) về. Trong quá trình mổ, tay bệnh nhân vô tình va phải răng con chó (đã chết), tạo vết xước nông, rớm máu ở lòng bàn tay phải. Do chủ quan bệnh nhân không để ý, không rửa vết thương bằng xà phòng cũng không đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại. Trong khi, người dân ở bản Huổi Quang và bản Pa Tần nuôi chó, mèo thả rông, không xích nhốt mà hầu hết đàn chó, mèo trên địa bàn đều chưa được tiêm vắc xin phòng dại.

Theo Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh): Qua điều tra tình hình cung ứng dịch vụ tiêm vắc xin dại trên địa bàn huyện Nậm Pồ cho thấy có 3 điểm tiêm vắc xin dại (Trung tâm Y tế huyện, Phòng khám Ða khoa khu vực Ba Chà và Phòng khám Ða khoa khu vực Si Pa Phìn). Tại các điểm tiêm chủng này luôn duy trì vắc xin phòng dại không để xảy ra tình trạng thiếu hụt vắc xin. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là người bị chó, mèo cắn, cào chủ quan không tới các cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại. Do không được hướng dẫn xử lý vết thương đúng cách, tiêm phòng dại kịp thời nên khi bệnh dại lên cơn thì việc điều trị hầu như không hiệu quả và gần như 100% trường hợp dại lên cơn đều tử vong. Bác sĩ Ðàm Thanh Tú cũng cho biết, không chỉ với người dân ở Nậm Pồ mà với phần đa người dân tại các địa phương trong toàn tỉnh, nhất là với khu vực nông thôn còn rất chủ quan trong công tác phòng chống bệnh dại. Minh chứng cho điều đó là tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng vắc xin phòng dại hằng năm đạt thấp (trung bình dưới 50%); trong khi với bệnh dại thì lại lây từ động vật sang người.

Thời tiết chuyển mùa nắng nóng, oi bức trong thời gian tới rất dễ bùng phát bệnh dại. Chính vì vậy, nhằm hạn chế thấp nhất số người tử vong do bệnh dại các địa phương trong tỉnh tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng. Thực hiện tốt công tác rà soát và quản lý tốt các trường hợp bị phơi nhiễm với vi rút dại, đặc biệt 100% số người bị chó, mèo nghi dại cắn hoặc phơi nhiễm với động vật nghi dại phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Duy trì các điểm tiêm phòng vắc xin phòng dại tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận; cung cấp đủ vắc xin phòng dại đến các điểm tiêm chủng. Và tại các điểm tiêm phòng dại phải thực hiện điều tra, giám sát, điều trị dự phòng theo đúng phác đồ tiêm chủng cho người bị động vật nghi dại cắn, tiêm phòng bệnh dại cho người có nguy cơ cao. Cùng với đó là phối hợp với cơ quan chức năng, trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý đàn, không để tình trạng chó chạy rông và có biện pháp quản lý hiệu quả chó, mèo vô chủ nhằm giảm thiểu số người bị động vật nghi dại cắn. Tăng cường giám sát, phát hiện, thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y và y tế các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc dại để có biện pháp xử lý kịp thời. Ðặc biệt, phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng dân cư để mỗi người dân hiểu về tính chất nguy hiểm của bệnh dại cũng như dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, các biện pháp phòng bệnh hiệu quả; công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, ngăn ngừa tử vong do bệnh dại.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top