Tăng cường phòng chống bệnh lao

08:35 - Thứ Hai, 08/04/2019 Lượt xem: 7995 In bài viết

ĐBP - Lao là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng. Bệnh nhân mắc lao nếu không được chữa trị sẽ là tác nhân lây nhiễm cho nhiều người khác. Nguy hại hơn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì bệnh lao rất dễ kháng thuốc, thậm chí dẫn đến tử vong. Ở tỉnh ta, tỷ lệ mắc bệnh lao trong cộng đồng vẫn còn cao, song việc phát hiện, điều trị còn tương đối thấp dẫn đến việc phòng chống bệnh còn gặp nhiều khó khăn.

 

Cán bộ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh chăm sóc bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Trong năm 2018, Bệnh viện tiến hành khám cho trên 1.500 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho 1.081 lượt bệnh nhân mắc lao, phổi. Ngoài ra, Bệnh viện phối hợp với các đơn vị thực hiện các hoạt động phòng chống lao trong cộng đồng và tiến hành khám cho trên 2.900 lượt người của 130/130 xã trên toàn tỉnh. Ðại đa số bệnh nhân mắc lao khi điều trị đều tuân thủ phác đồ, được cán bộ y tế giám sát khá tốt. Vì vậy, hiệu quả điều trị đạt trên 90%, tỷ lệ bệnh nhân lao tử vong trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với toàn quốc. Ngoài tuyến tỉnh thì huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa là các địa phương làm tốt công tác phát hiện và điều trị bệnh lao. Cùng với khám, chữa bệnh cho người dân đến điều trị, Bệnh viện còn thực hiện các dự án phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến tại cộng đồng. Bệnh viện đã tiến hành khám, sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao cho phạm nhân Trại giam Nà Tấu và người dân các xã của huyện Ðiện Biên. Tuy vậy, công tác phòng chống bệnh lao ở cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ mắc lao khá cao, song công tác phát hiện bệnh nhân mắc còn thấp. Trong năm 2018, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh phát hiện 171 bệnh nhân mắc lao mới. Nguyên nhân là do sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế. Hơn nữa, dù cho mặt bằng dân trí được nâng lên đáng kể nhưng một bộ phận người dân vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh lao thường giấu không đi khám. Ðiều này hết sức nguy hiểm bởi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phác đồ dễ dẫn tới vi khuẩn lao kháng thuốc. Lúc đó, thay vì điều trị 6 tháng như phác đồ thông thường, bệnh nhân phải điều trị 20 tháng mới có thể khỏi bệnh, gây tổn hao vật chất và tinh thần của gia đình người bệnh, tạo gánh nặng cho xã hội. Ngoài ra, việc đưa dịch vụ khám phát hiện lao tại cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên; một số cơ sở cán bộ y tế còn thiếu và yếu; công tác tuyên truyền chưa được nhiều, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Không chỉ vậy, việc phòng chống lao chưa được xã hội hóa cao và chưa có sự tham gia tích cực của chính quyền cơ sở, ban, ngành đoàn thể. Là tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV/dân số cao, đồng nghĩa với số người nhiễm HIV bị mắc lao có nguy cơ cao cũng là mối đe doạ lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Ðể công tác phòng chống bệnh lao hiệu quả, bác sĩ Lê Văn Lương cho rằng trước hết phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị cùng chung tay với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, vận động tới người dân để tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân mắc lao. Ðồng thời, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức của mình, hiểu về các biểu hiện của bệnh lao để tới khám và điều trị kịp thời. Người mắc bệnh lao thường có các triệu chứng, như: Ðau ngực, khó thở, thở vít, ho ra máu... cộng với sức khỏe giảm sút, cơ thể yếu, sụt cân... Cộng đồng xã hội, nhất là người thân trong gia đình mỗi bệnh nhân cũng cần nâng cao nhận thức về bệnh lao để hiểu cho đúng, cho đủ và có thái độ cư xử phù hợp. Bác sĩ Lê Văn Lương cũng khuyến cáo mỗi người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ chất, hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, tập thể dục thường xuyên; khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh lao cần đeo khẩu trang y tế... để phòng bệnh hiệu quả.


Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top