Bệnh án điện tử - mô hình bệnh viện thông minh

15:26 - Thứ Tư, 22/05/2019 Lượt xem: 10094 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành và công tác khám, chữa bệnh đã được ngành Y tế Ðiện Biên quan tâm đẩy mạnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Theo thống kê, hiện nay 100% cơ sở khám chữa bệnh ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn, bằng nhiều phần mềm hữu ích, như: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh; quản lý tiêm chủng; kiểm tra chất lượng bệnh viện; báo cáo chuyển tuyến; quản lý các chương trình mục tiêu y tế… Trong đó, phần mềm quản lý công tác khám, chữa bệnh (hay ngắn gọn hơn là bệnh án điện tử) đã manh nha được triển khai ở một số bệnh viện, trung tâm y tế tuyến cơ sở từ vài năm trước, tạo tiền đề tốt để triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh, hướng đến mô hình bệnh viện thông minh, không giấy tờ.

 

Bệnh nhân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Ða khoa khu vực thị xã Mường Lay.

Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo là cơ sở đầu tiên trong tỉnh triển khai lắp đặt, sử dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh trong thực hiện nhiệm vụ. Tại đây, mỗi ngày tiếp nhận từ vài chục đến hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Tuy nhiên, công việc diễn ra nhanh chóng, quy củ và đảm bảo về thời gian. Mỗi bệnh nhân đến khám, thay vì phải chờ đợi cán bộ y tế viết tay, thì nay thông tin được nhập nhanh gọn vào máy tính và lưu giữ hồ sơ khám trên hệ thống quản lý. Nhờ vậy, người bệnh đến làm thủ tục thuận tiện hơn và không phải mất nhiều thời gian xếp hàng, chờ đợi như trước kia, nhất là trong các lần tái khám tiếp theo. Những hồ sơ bệnh án cồng kềnh nay cũng không còn, vì được số hóa bằng dữ liệu điện tử.

Tương tự như vậy, Bệnh viện Ða khoa khu vực thị xã Mường Lay cũng đang triển khai sử dụng 3 hệ thống phân hệ tiếp nối trong phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện HIS, bao gồm: hệ thống xếp hàng, quản lý bệnh nhân nội trú và “Bệnh án điện tử”. Hiện nay, Bệnh viện vẫn tiếp tục hợp đồng và phối hợp với đơn vị cung ứng phần mềm để hỗ trợ vận hành. Mặc dù trước mắt về chi phí chưa có sự thay đổi rõ nét, song qua đánh giá bước đầu việc áp dụng phần mềm này đã giảm thiểu cơ bản về thời gian và áp lực trong hoạt động khám chữa bệnh cho cả bác sĩ và người bệnh.

Bệnh án điện tử hiểu một cách đơn giản nhất là những dữ liệu, thông tin được số hóa từ bệnh án thực của bệnh nhân mỗi lần vào viện. Trong đó, các dữ liệu cập nhật từ những thông tin cơ bản của người bệnh, như: lời khai bệnh nhân, triệu chứng, thuốc được chỉ định dùng, kết quả xét nghiệm, phim chụp, phương án điều trị của bác sĩ… Bệnh án điện tử được chi tiết hóa cụ thể đến từng đề mục nhỏ, như: phiếu chỉ định, tờ điều trị, phiếu chăm sóc, phiếu truyền dịch, xem cận lâm sàng, giấy duyệt mổ... Vì thế, bệnh án điện tử cho phép bác sĩ và người bệnh có thể xem lại quá trình điều trị một cách nhanh chóng và chính xác. Trên cơ sở đó giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị, để đưa ra những chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí cho bệnh nhân.

Ðơn cử như đối với một ca cấp cứu, nếu như trước đây, việc tiếp nhận bệnh nhân mất rất nhiều thời gian do phải chờ nhận kết quả cận lâm sàng và kết quả xét nghiệm. Nhưng với bệnh án điện tử, bác sĩ có thể chỉ định điều trị kịp thời, chính xác cho bệnh nhân, tiết kiệm 50% thời gian tra cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trên hệ thống. Ngoài ra, mỗi bệnh nhân sẽ được lưu lại các thông tin cá nhân, bệnh án, bệnh phẩm, thông qua phần mềm; khi tái khám mọi thông tin lưu trữ trước đó sẽ được hiển thị ngay trên thiết bị chỉ bằng thao tác nhập tên. Không chỉ cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, việc quản lý bệnh nhân cũng trở nên khoa học hơn, chính xác hơn mà không cần phải lật tìm hồ sơ một cách thủ công như trước.

Theo quy định, hồ sơ bệnh án bằng giấy phải lưu trữ ít nhất 10 năm, hoặc có trường hợp lên đến vài chục năm. Trong khi đó, bình quân mỗi cơ sở y tế trên địa bàn hàng năm tiếp nhận vài chục nghìn bệnh nhân đến khám, điều trị. Ðể bảo quản số hồ sơ “đồ sộ” này, các đơn vị phải sử dụng nguồn nhân lực và tiêu tốn thời gian khá lớn. Nhất là trong những hoàn cảnh cần thiết, việc tìm kiếm một cách thủ công gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Ðặc biệt là việc chia sẻ thông tin giữa các khoa trong bệnh viện hoặc giữa các bệnh viện với nhau còn hạn chế. Tất cả những vướng mắc này đều được giải quyết nhanh chóng chỉ bằng một cái nhấp chuột khi triển khai đồng bộ bệnh án điện tử.

Bắt đầu từ ngày 1/3/2019, hồ sơ bệnh án điện tử đã chính thức được Bộ Y tế triển khai tại các cơ sở y tế. Với tiền đề đã xây dựng từ một số cơ sở y tế trước đó, Ðiện Biên có kinh nghiệm hơn trong việc mở rộng triển khai đồng loạt. Thống kê toàn tỉnh hiện có 143 cơ sở khám, chữa bệnh, thì có 142 cơ sở đang sử dụng thống nhất chung phần mềm khám chữa bệnh HIS, với những đánh giá bước đầu khá khả quan. Ðây sẽ là nền tảng để thực hiện lộ trình chung của cả nước sau năm 2021, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển y tế thông minh. Hướng tới năm 2028, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc sẽ loại bỏ hồ sơ giấy và phải số hóa các hồ sơ bệnh án, kết nối thông tin giữa các bệnh viện - một trong những bước đà cho việc hình thành hồ sơ sức khỏe cá nhân của mỗi người dân, giảm thời gian xếp hàng và chờ đợi khi khám bệnh.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top