Khan hiếm vắc xin dịch vụ cho trẻ

08:57 - Thứ Hai, 27/05/2019 Lượt xem: 8529 In bài viết

ĐBP - Cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ tiêm phòng cho trẻ hiện nay đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhất là vắc xin 5 trong 1 (vắc xin Pentaxim của Pháp, phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib) và vắc xin 6 trong 1 (vắc xin Infarix, nhập từ Bỉ, phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib). Mặc dù nhu cầu của người dân liên tục tăng nhưng khả năng cung ứng vắc xin vẫn chưa đáp ứng được.

 

Người dân đưa trẻ đến Trạm Y tế xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Có con trong độ tuổi phải tiêm vắc xin phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib, thế nhưng khi liên hệ phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì chị Nguyễn Thị Na, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) được thông báo đã hết vắc xin. Chị Na cho biết: Tôi đang rất lo và không biết có nên đưa con về Hà Nội tiêm hay không. Nhưng nếu cứ đợi vắc xin như thế này thì biết bao giờ mới có”.

Không riêng chị Na, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh khi nhận được thông báo hết những loại vắc xin trên từ phòng tiêm dịch vụ. Chị Hoàng Thị Nga, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) đưa con đến Phòng tiêm Safo 20 để tiêm vắc xin 6 trong 1, nhưng do hết nên chị đành quay về cho con tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng. “Tính sơ sơ thì vợ chồng tôi không dưới 5 lần đưa con đến phòng tiêm để tiêm vắc xin, nhưng lần nào cũng được thông báo là đã hết và chưa nhập lô mới. Do vậy gia đình tôi quyết định không tiêm vắc xin dịch vụ nữa” - chị Nga bộc bạch. Khi được hỏi trước đây vì sao không đưa con đến trạm y tế xã tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng mà lựa chọn tiêm vắc xin dịch vụ rất tốn kém, chị Nga chia sẻ: “Tôi nghe nhiều người nói có nhiều trẻ sau khi tiêm loại vắc xin mới (vắc xin ComBe Five do Ấn Ðộ sản xuất thay thế vắc xin Quinvaxem do Hàn Quốc đã ngừng sản xuất từ năm 2017) gặp phản ứng, sốt cao nên không yên tâm”.

Ðược biết thời gian qua, với sự bùng nổ thông tin chưa được kiểm chứng của các trang mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều về mức độ an toàn của vắc xin Combe Five (5 trong 1) thay thế vắc xin Quinvaxem theo chương trình tiêm chủng mở rộng đã khiến không ít phụ huynh có con nhỏ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ băn khoăn nên lượng người có nhu cầu tiêm chủng dịch vụ ngày càng tăng, mặc dù giá các loại vắc xin này không rẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Ðối với các loại vắc xin dịch vụ phòng bệnh cho trẻ, hiện nay khan hiếm chủ yếu là vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim của Pháp) và 6 trong 1 (Infarix của Bỉ). Ðây là thực trạng chung ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu tiêm dịch vụ của người dân gần đây tăng, trong khi đó nhà cung ứng nhập hàng từ nước ngoài về nhỏ giọt. Theo bác sĩ Ðàm Thanh Tú, người dân không nên chờ đợi các loại vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 vì hiện nay tỉnh đã và đang triển khai sử dụng vắc xin ComBe Five phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng thay cho Quinvaxem trước đây. Ðây là loại vắc xin mới có thành phần phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi như vắc xin 6 trong 1 (Infarix nhập từ Bỉ).

Nói về độ an toàn của vắc xin ComBe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bác sĩ Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Qua theo dõi tiêm vắc xin này trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ phản ứng nhẹ trong mức cho phép và tỷ lệ phản ứng nặng dưới mức khuyến cáo của Bộ Y tế. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng, các trường hợp có phản ứng bất thường sau khi tiêm ComBe Five ở các tỉnh thời gian vừa qua không phải do vắc xin này. Người dân cần hiểu rằng, bất kỳ loại vắc xin nào khi đưa vào cơ thể, vẫn là kháng nguyên nên gây phản ứng là chuyện hết sức bình thường, nặng nhẹ tùy vào thể trạng và tình trạng mỗi trẻ. Chính vì thế, người dân có thể yên tâm về mức độ an toàn vắc xin ComBe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Ðể hạn chế tối đa các phản ứng nặng cho trẻ khi tiêm vắc xin ComBe Five nói riêng và các loại vắc xin khác nói chung, khi trẻ được khám sàng lọc tại các cơ sở y tế, người dân cần nói rõ tình trạng cơ địa, sức khỏe của trẻ. Ðồng thời, sau khi tiêm cần hợp tác, phối hợp với cán bộ y tế để theo dõi và xử lý các phản ứng nếu xảy ra” - bác sĩ Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh.


Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top