Phát hiện, khống chế kịp thời dịch bệnh

09:21 - Thứ Hai, 08/07/2019 Lượt xem: 8792 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ dịch bệnh trên người với 315 ca mắc. Trong đó, 1 chùm ca bệnh thủy đậu với 18 ca mắc xảy ra tại Trường Tiểu học Búng Lao, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng); 4 vụ dịch sởi với 297 ca mắc (18 ca mắc tại xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên); 18 ca mắc tại xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa); 109 ca mắc tại các xã: Nà Bủng, Vàng Ðán (huyện Nậm Pồ) và 152 ca mắc tại 2 xã: Pá Mỳ, Nậm Vì (huyện Mường Nhé)). So với cùng kỳ năm 2018, số vụ dịch tương đương, nhưng tăng số ca mắc (tăng 11 ca). Các địa bàn xảy ra dịch bệnh đều được ngành Y tế phối hợp với các địa phương kịp thời điều tra, xác minh, chẩn đoán và triển khai các biện pháp xử lý hiệu quả, tránh được tình trạng dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, không có ca tử vong.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn lợi ích của tiêm chủng mở rộng và thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Tại xã Pá Mỳ và Nậm Vì (huyện Mường Nhé) cuối tháng 6 vừa qua dịch sởi mới kết thúc sau hơn 3 tháng khởi phát. Bác sĩ Lò Văn Sen, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Ðối tượng chính của bệnh là trẻ em; nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng của bệnh sởi có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện những ca mắc đầu tiên trên địa bàn, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền các xã có người mắc sởi tập trung khoanh vùng dập dịch, triển khai nhanh chóng công tác điều trị cho bệnh nhân. Ðồng thời tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại trường học, nơi có dịch, nơi thường tập trung đông người; dự phòng vắc xin sởi để tiêm bổ sung cho trẻ; tăng cường tuyên truyền để người dân biết cách nhận biết và phòng tránh dịch bệnh.

Theo bác sĩ Lò Văn Sen: Tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh thấp, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đầy đủ là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ mắc bệnh. Theo quy định, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi phải đạt từ 95% trở lên mới có miễn dịch cộng đồng, phòng ngừa được dịch bệnh. Tuy nhiên kết quả chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella trên địa bàn huyện trong 4 năm qua (từ 2015 - 2018) chỉ đạt từ 84 - 90%. Tại xã Nậm Vì, 2 bản: Huổi Chạ 1 và Huổi Chạ 2 - nơi có nhiều ca mắc thì tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi là rất thấp. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp khoanh vùng dập dịch, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, cách nhận biết, phòng chống bệnh cho người dân, đến ngày 27/6 dịch sởi tại xã Pá Mỳ và xã Nậm Vì đã kết thúc với tổng 152 ca mắc, không có ca tử vong. Tuy nhiên vấn đề đặt ra trong công tác phòng chống dịch sởi cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn đó chính là đẩy mạnh truyền thông để người dân thấy được lợi ích, ý nghĩa của việc tiêm vắc xin phòng bệnh để thực hiện tiêm phòng đúng, đủ theo quy định của ngành Y tế, từ đó hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh dịch bùng phát, lây lan.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trình độ dân trí của người dân ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa hạn chế, còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu dẫn đến bất bình đẳng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, gánh nặng bệnh tật và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, sự kiện có nguy cơ gây bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Năm 2019, ngành đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt từ 95% trở lên quy mô xã, phường, thị trấn; duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh tiến tới loại trừ bệnh sởi. Trẻ từ 1 - 10 tuổi tại các địa phương nguy cơ cao bùng phát dịch sởi được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin sởi - rubella đạt từ 95% trở lên quy mô đơn vị xã. 100% trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, giảm 5 - 10% số mắc và tử vong một số bệnh truyền nhiễm lưu hành so với năm 2018… Cùng với việc làm tốt công tác giám sát, xử lý dịch bệnh; điều trị cho bệnh nhân mắc dịch bệnh; ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, coi đó là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân tự giác và tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho bản thân và cộng đồng; khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh truyền nhiễm. Tăng cường tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng, sự cần thiết của việc tiêm chủng đúng lịch thường xuyên; khuyến khích người dân chủ động đi tiêm chủng phòng những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao, những bệnh không thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top