Nâng cao chất lượng y tế cơ sở

09:12 - Thứ Hai, 15/07/2019 Lượt xem: 8355 In bài viết
ĐBP - Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nếu y tế cơ sở chất lượng hoạt động đảm bảo thì vừa giảm gánh nặng tuyến trên, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian cho người bệnh và gia đình. Do vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở được xác định là nhiệm vụ quan trọng để hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

 

Người dân kiểm tra sức khỏe tại Trạm Y tế xã Thanh An, huyện Ðiện Biên.

Hiện nay, tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh có 10 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố với gần 1.000 giường bệnh; 17 phòng khám đa khoa khu vực với 179 giường bệnh; 130 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 390 giường lưu bệnh nhân; 10 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình… Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động gần 88%; trên 93% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; trên 95% thôn bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động… Có thể thấy, mạng lưới y tế cơ sở hiện nay cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ cấu, thành phần nhân lực; số lượng cán bộ chuyên môn có trình độ đại học, trên đại học tăng lên qua từng năm. Tuy nhiên, công tác y tế cơ sở đang gặp phải không ít khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động. Mặc dù nguồn nhân lực cho y tế cơ sở là 2.147 người nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu, thành phần và cơ cấu cán bộ còn chưa hợp lý. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, một số bệnh viện thuộc trung tâm y tế chưa được đầu tư; 51/130 trạm y tế xã xuống cấp không đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Số lượng và chất lượng dịch vụ ở tuyến y tế cơ sở ở nhiều nơi còn hạn chế nên chưa tạo được niềm tin cho người dân đến khám, chữa bệnh. Việc chuyển tuyến giữa bệnh viện tuyến trên và y tế cơ sở chưa tốt nên chưa thực sự góp phần vào giảm tải cho tuyến trên. Trong khi đó, việc cử người đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế hoạt động khá cao (95,7%), nhưng chất lượng hoạt động còn hạn chế. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để người dân thay đổi nhận thức, hành vi trong bảo vệ và chăm sóc còn hạn chế. Do hầu hết cán bộ truyền thông làm việc kiêm nhiệm nên thụ động, thiếu kỹ năng, hiệu quả hoạt động bị hạn chế, nhân sự không ổn định; trang thiết bị, phương tiện truyền thông cơ bản tuyến xã còn rất thiếu, kinh phí không đáp ứng được nhu cầu hoạt động.

Ðứng trước những khó khăn thách thức đó, ngành Y tế đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào việc đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở có sự kết nối với các cơ sở y tế chuyên khoa tuyến trên; lồng ghép mô hình y học gia đình… Phát triển hoạt động của y tế trường học, y tế cơ quan theo hướng tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ðối với khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình trạm y tế, phòng khám quân dân y. Cùng với đó, ngành tập trung đổi mới cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường quản lý sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ và phục hồi chức năng tại nhà, tại cộng đồng, đặc biệt đối với các bệnh không lây nhiễm. Ðảm bảo người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, liên tục, toàn diện bằng cách cung ứng các dịch vụ lồng ghép, phối hợp đối với cả 3 nhóm: Bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm và tai nạn thương tích.

Ngoài ra, ngành phát triển thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn của Bộ Y tế. Theo đó, trung tâm y tế ngoài các dịch vụ theo phân tuyến có thể thực hiện thêm các dịch vụ kỹ thuật cao; phòng khám đa khoa khu vực thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến; trạm y tế xã thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân loại. Ngành Y tế cũng tập trung kiện toàn đội ngũ nhân viên có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ năng lực thi hành nhiệm vụ. Tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã, trong đó ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Không chỉ vậy, ngành còn đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa y tế để huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh và thực hiện các mục tiêu chương trình y tế.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top