Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư sớm được ứng dụng rộng rãi

15:30 - Thứ Hai, 22/07/2019 Lượt xem: 7551 In bài viết
Một phương pháp điều trị ung thư bên cạnh hóa trị, xạ trị, phẫu thuật… là liệu pháp miễn dịch sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư sau khi Bộ Y tế kết thúc thử nghiệm liệu pháp điều trị này vào cuối năm nay.

Phát minh mang tính đột phá của GS Tasuku Honjo (Nhật Bản) - liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư đã được trao Giải thưởng Nobel 2018, đã được GS, TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - người học trò Việt Nam xuất sắc của GS Tasuku Honjo - kế thừa có sáng tạo, tạo nên bước đột phá trong ngành ung thư Việt Nam.

 

GS, TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

GS, TS Tạ Thành Văn cho biết, từ năm 2017, liệu pháp này đã được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên người cho tại Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Các nhà khoa học của Trường Đại học Y Hà Nội đã lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra ngoài cơ thể để nhân lên, biệt hóa trong điều kiện đặc biệt, rồi truyền lại cho bệnh nhân, để tiêu diệt tế bào ung thư.

Theo GS Văn, với liệu pháp này, các nhà khoa học thực hiện phân tách tế bào thông qua việc lấy 10 - 30 ml máu có chứa hàng triệu tế bào. Chúng sẽ được nhân lên thành nhiều tỷ tế bào sau hai tuần. Nếu tế bào bệnh nhân đủ khỏe, thì tế bào nhân được lên tới 10 tỷ. Như vậy sức đề kháng của bệnh nhân tăng đáng kể. Sức đề kháng tăng thì ung thư cũng bị tiêu diệt, bệnh khác bị loại trừ. Liệu pháp này giúp cải tiến lâm sàng tốt, chất lượng cuộc sống bệnh nhân tăng đáng kể.

Với cơ thể khỏe mạnh, liệu pháp này cũng giúp xác suất bị ung thư giảm đi, cơ hội điều trị sẽ tăng lên. “Liệu pháp này giống như việc chúng ta tăng cường nội lực của chính bản thân mình và khi mình khỏe mạnh sẽ chống được mọi tác nhân bên ngoài”, GS Văn nói.

PGS, TS Trần Huy Thịnh, Phó Trưởng Bộ môn Hóa - Sinh, Đơn vị Tế bào trị liệu, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, khi triển khai biện pháp miễn dịch điều trị ung thư, các bác sĩ mong muốn cung cấp biện pháp điều trị ung thư với một cách tiếp cận khác. Bên cạnh đó, các nhà khoa học phối hợp liệu pháp điều trị miễn dịch với các biện pháp khác nhau, sau đó điều trị toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Đến nay, đã có khoảng gần 60 bệnh nhân mắc ung thư phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng… ở giai đoạn 3 và 4, được điều trị bằng liệu pháp này với kết quả bước đầu khá lạc quan.

GS Văn cho biết, hiện các bác sĩ đang đánh giá tình trạng bệnh nhân trước và sau điều trị để có nhận định lâu dài. Cuối năm nay, các nhà khoa học sẽ kết thúc đánh giá, sau đó sẽ được Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế xem xét thông qua, từ đó có thể ứng dụng rộng rãi liệu pháp điều trị này với bệnh nhân.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top