SXH vào mùa cao điểm, có sự lưu hành của tuýp D4 hiếm gặp

14:41 - Thứ Hai, 05/08/2019 Lượt xem: 7727 In bài viết
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 10 trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương.

Nhiều ca biến chứng nặng, có sự lưu hành của tuýp D4 hiếm gặp

Tại TPHCM, địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 27.100 ca mắc, tăng hơn 165% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hơn 15.600 ca điều trị nội trú, tăng 153% so với cùng kỳ năm trước.

 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị SXH đang điều trị tại BV Nhi đồng 1.

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM hiện đang điều trị cho 200 ca SXH gồm cả người lớn và trẻ em. Trong đó, Khoa Hồi sức cấp cứu-chống độc người lớn đang cứu chữa 5 trường hợp nặng được chuyển đến từ các tỉnh lân cận. Còn tại Khoa Hồi sức nhi, gần đây tiếp nhận 5-6 ca bị sốc SXH/ngày và hiện đang điều trị cho 5 trẻ bị biến chứng nặng.

Còn tại Hà Nội, đến nay ghi nhận trên 1.800 trường hợp mắc SXH và không có trường hợp tử vong. Cả 30 quận, huyện, thị xã đều có bệnh nhân mắc SXH, trong đó 85% số ca mắc nằm ở 12 quận, huyện là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thường Tín, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thanh Trì, Ba Đình, Hoài Đức, Hai Bà Trưng. Đặc biệt, có sự lưu hành của tuýp D4 hiếm gặp tại nhiều xã, phường.

Còn tại Đắk Lắk, số người mắc SXH gia tăng đột biến, tỷ lệ ca bệnh nặng tăng cao khiến các cơ sở y tế ở đây rơi vào tình trạng quá tải. Tại Khoa Truyền nhiễm (BV đa khoa Vùng Tây Nguyên) các phòng đều chật kín bệnh nhân. Dọc hành lang, nhiều giường bệnh được kê thêm cho những bệnh nhân mắc SXH. Hiện trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 30-40 bệnh nhân, cao điểm có ngày gần 90 ca. Đáng nói, 2/3 số ca nhập viện trong tình trạng cảnh  báo, sốc, huyết áp giảm, suy đa tạng.

Còn theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 31/7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 8.000 trường hợp mắc SXH. Bệnh xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại một số địa bàn trọng điểm gồm Buôn Ma Thuột Buôn Đôn, Krông Năng, Cư M’gar. Đặc biệt, chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SXH.

Ngày 4/8, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, đến nay tỉnh này có 12/14 huyện, thành phố đã xuất hiện dịch bệnh SXH. Theo đó, cả tỉnh ghi nhận gần 900 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 4 lần so với năm 2018.

Theo TS. BS. Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus-ký sinh trùng (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), từ tháng 7 là thời điểm theo đúng chu kỳ của dịch SXH. Dự báo, thời gian tới, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

Chủ động phòng chống, không để bùng phát thành dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, GS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế Thành phố đã có kế hoạch kiểm tra, giám sát; tiến hành ngay việc phun thuốc trừ muỗi và đẩy mạnh tuyên truyền cách thức phòng chống bệnh đến người dân từng khu phố, cụm dân cư.

 

Cán bộ y tế tuyên truyền về phòng, chống bệnh SXH cho người dân.

Về công tác thu dung, điều trị, Sở Y tế đã chỉ đạo các BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phân loại bệnh nhân, xác định phác đồ điều trị phù hợp từng giai đoạn của bệnh, hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã phân công trong điều trị và dập dịch SXH.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch sớm; tổ chức ký cam kết về phòng chống SXH giữa Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã; chỉ đạo xây dựng mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH và đội xung kích diệt bọ gậy; xây dựng đề án phòng chống SXH tại các quận, huyện.

Về công tác chuyên môn, ngành y tế đã chủ động giám sát bệnh nhân tại 63 bệnh được phân cấp, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véctơ truyền bệnh như điều tra ổ bọ gậy nguồn, giám sát tính nhạy cảm của muỗi với hóa chất diệt...

Công tác xử lý ổ dịch cũng được triển khai đồng bộ từ giám sát phát hiện ca bệnh, truyền thông, diệt bọ gậy và phun hóa chất. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức 1.048 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với trên 2,5 triệu lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy (đạt 95,1%); tổ chức 102 chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng chống SXH tại 13 quận, huyện có nhiều bệnh nhân.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống dịch, Sở Y tế Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị chuyên môn để các chuyên gia đầu ngành ở các BV trong toàn tỉnh thảo luận, phân tích diễn tiến, nguyên nhân và tìm ra các biện pháp để hạn chế thấp nhất số mắc mới cũng như tử vong do sốt xuất huyết.

Công tác thu dung, cấp cứu và điều trị cho người bệnh cũng được các bệnh viện tích cực triển khai.

Để giải quyết vấn đề quá tải ở các BV, trước mặt, Sở Y tế đã chỉ đạo BV đa khoa Vùng tây Nguyên dành 4 khoa để điều trị bệnh nhân SXH; xin UBND tỉnh cấp kinh phí bổ sung 500 giường bệnh để phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân SXH.

Cùng với đó, công tác dự phòng cũng được đẩy mạnh nhằm khống chế không cho dịch bệnh lan rộng.

Không được tự ý điều trị SXH

Theo các chuyên gia y tế, bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 tuýp được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp, cho nên một người có thể mắc SXH đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí có thể mắc đến lần thứ 4, và lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước.

TS. Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu-chống độc người lớn (BV Bệnh nhiệt đới TPHCM) cho biết, SXH Dengue diễn biến từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Những ngày đầu, bệnh nhân chủ yếu là sốt, đau nhức cơ, nhưng sau đó có thể chuyển nặng.

Cụ thể, người bệnh bị thoát huyết tương ra ngoài thành mạch dẫn đến sốc SXH Dengue, hoặc rối loạn đông máu khiến bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, đi tiểu ra máu, chảy máu răng, máu mũi, không thể cầm máu, hoặc rong kinh, xuất huyết âm đạo ở phụ nữ. Nhiều khi có tình trạng tổn thương tạng, thường gặp là tổn thương gan, thận, hôn mê… Có một số trường hợp hiếm gặp là xuất huyết não.

Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu nặng thì có thể theo dõi cho điều trị ngoại trú, mỗi ngày tái khám tại các phòng khám hoặc BV. Còn nếu bệnh nhân có những dấu hiệu cảnh báo SXH Dengue, hoặc các trường hợp có nguy cơ cao thì mới nhập viện, TS. Nguyễn Văn Hảo khuyến cáo.

Còn theo bác sĩ Huỳnh Trung Triệu, Phó Trưởng khoa Hồi sức nhi (BV Bệnh nhiệt đới), một số bệnh nhi khi nhập viện đã bị sốc SXH rất sâu, khiến cho công tác điều trị vô cùng khó khăn. Vì vậy, cần phải có sự chẩn đoán bệnh sớm, để có chiến lược theo dõi đúng và kịp thời. Thông thường, trẻ bị sốc là do máu cô đặc quá, nên phụ huynh không được tự ý điều trị cho trẻ, mà cần đưa đến các cơ sở y tế để được theo dõi.

Để hạn chế ca mắc, tử vong và khống chế dịch SXH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ban hành Chỉ thị tăng cường phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài. Đồng thời, Bộ trưởng cũng ký quyết định thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng chống SXH tại các tỉnh, thành phố trọng điểm như: Khánh Hòa, Bình Thuận, TPHCM, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Phú Yên, Đồng Nai và Tây Ninh.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top