Vì sao tử vong do bệnh dại ở người dân tộc thiểu số rất cao

15:32 - Thứ Tư, 11/09/2019 Lượt xem: 7254 In bài viết

Đó là thực trạng ở Điện Biên trong những năm qua, nguyên nhân cơ bản do nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số hạn chế, bà con chủ quan khi bị động vật (chó, mèo) cắn không đi tiêm phòng nên để xảy ra hậu quả.

Cán bộ y tế huyện Tủa Chùa tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân tộc Mông cách phòng, chống bệnh dại từ chó, mèo.

Bên cạnh đó, ngành Y tế Điện Biên cũng cho biết các nguyên nhân làm ảnh hưởng công tác phòng chống bệnh dại (PCBD) ở người trên địa bàn như: Tình trạng thiếu vắc-xin tiêm cho người bệnh; kinh phí được cấp hằng năm mới đủ mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người nghèo, còn trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách chưa được hưởng chính sách này. Cùng với đó, hai ngành (y tế và nông nghiệp) chưa xây dựng kế hoạch chung phòng, chống bệnh dại, do vậy giảm hiệu quả trong điều phối, phối hợp liên ngành, huy động và sử dụng các nguồn lực cho PCBD.

Chính vì những nguyên nhân đó nên từ năm 2010 đến nay, Điện Biên còn 45 trường hợp (ở 10 huyện, thị xã, thành phố) mắc và tử vong do bệnh dại; trong đó người dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Khơ Mú, Dao) chiếm hơn 70% số ca mắc, tử vong.

Để hạn chế tới mức thấp nhất số người bị mắc, tử vong do bệnh dại, tại Hội nghị tăng cường các biện pháp liên ngành phòng, chống bệnh dại do Sở Y tế Điện Biên tổ chức ngày 10-9, các đại biểu đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đại diện lãnh đạo UBND, phòng y tế, trạm thú y các huyện, thị, thành phố… đã thống nhất đề nghị: UBND tỉnh Điện Biên cần cấp thêm kinh phí tiêm vắc-xin dại cho người nghèo, đồng thời mở rộng đối tượng được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách. Giữa hai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Y tế cần phối hợp chặt chẽ xây dựng kế hoạch hoạt động liên ngành giữa thú y và y tế; trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm soát tốt bệnh dại trên động vật (quản lý đàn chó, mèo), tăng cường tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên động vật và thực hiện tốt các hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại trên động vật tại các địa phương.

Với UBND cấp huyện, các đại biểu cũng đề nghị phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử phạt nghiêm khắc đối với chủ vật nuôi không thực hiện tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo hoặc không thực hiện đúng các quy định về nuôi nhốt động vật có nguy cơ gây bệnh.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top