Xử lý chất thải nguy hại trong lĩnh vực y tế

08:23 - Thứ Sáu, 20/09/2019 Lượt xem: 9255 In bài viết

ĐBP - Mỗi ngày, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thải ra môi trường hàng trăm ki lo gam chất thải rắn, hàng nghìn mét khối chất thải lỏng nguy hại. Nếu số lượng chất thải y tế không được thu gom, phân loại xử lý đúng cách sẽ gây nguy hại lớn đến môi trường và con người. Chính vì vậy, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả xử lý chất thải y tế nguy hại.

Nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại Bệnh viện. Ảnh: Diệp Chi

Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, có các thành phần như: Máu, dịch cơ thể, chất bài tiết, các bộ phận, cơ quan, bơm, kim tiêm, vật sắc nhọn, dược phẩm, hoá chất, chất phóng xạ… Chất thải y tế nguy hại có 2 loại: Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Hiện nay, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh gồm có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố (trong đó có 9 trung tâm có bệnh viện đa khoa); 17 phòng khám đa khoa khu vực; 130 trạm y tế xã/phường/thị trấn, 118 phòng khám tư nhân. Theo thống kê, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế trung bình khoảng 3 tấn/ngày; trong đó, có khoảng 350kg là chất thải rắn y tế nguy hại, còn lại là chất thải y tế thông thường. Lượng chất thải lỏng phát sinh vào khoảng 1.500m3/ngày; trong đó 1.200m3 là chất thải lỏng y tế nguy hại.

Trước thực trạng đó, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm túc việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải y tế nguy hại. Chất thải rắn được thu gom và phân loại ngay tại nơi phát sinh, như chất thải y tế thông thường, chất thải lây nhiễm, chất thải không lây nhiễm được thu gom vào các vật dụng đựng chất thải theo quy định về mã màu sắc, vận chuyển về khu vực lưu giữ chất thải. Chất thải rắn y tế nguy hại tại tuyến tỉnh được 4/5 bệnh viện xử lý bằng công nghệ khử khuẩn hơi nước và lò đốt; 6/9 bệnh viện tuyến huyện có hệ thống xử lý bằng công nghệ lò đốt. Các đơn vị chưa xây dựng được hệ thống đều ký kết hợp đồng vận chuyển và xử lý rác thải với các bệnh viện khác để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Lò đốt đang được sử dụng là lò đốt 2 buồng và 1 buồng theo công nghệ của Nhật Bản, Anh, Pháp với công suất đốt lò từ 15 - 60kg rác thải/lần đốt, cơ bản xử lý đạt quy chuẩn môi trường hiện hành, bảo đảm vệ sinh và an toàn cho cộng đồng. Ngoài ra, Bệnh viện Ða khoa tỉnh được Ban Quản lý dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện (Bộ Y tế) đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ từ tháng 10/2017. Hệ thống này sử dụng công nghệ khử khuẩn bằng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao, kết hợp với nghiền, cắt rác thải y tế nguy hại để trở thành rác thải thông thường. Công nghệ này đưa vào hoạt động không khói bụi, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho môi trường. Sau khi khử khuẩn, nghiền, chất thải được tập kết để thu gom và xử lý như loại rác thải thông thường. Với những ưu việt đó, hệ thống này cũng đang được Ban Quản lý dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện đầu tư xây dựng tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các đơn vị trên địa bàn huyện Tuần Giáo và Mường Ảng. Các phòng khám đa khoa khu vực cũng đã được đầu tư lò đốt thủ công và hố bê tông chôn lấp xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Với lượng chất thải rắn y tế nguy hại tương đối ít, 64 trạm y tế xã có lò đốt thủ công và hố bê tông để xử lý hoặc xử lý chung với các phòng khám đa khoa khu vực, còn lại 66 trạm y tế xử lý đốt thủ công và chôn lấp bằng hố thông thường. Riêng vật sắc nhọn hàng tháng các trạm y tế vận chuyển về bệnh viện huyện để xử lý, đảm bảo theo đúng quy định.

Một vấn đề quan trọng khác là việc xử lý nước thải y tế nguy hại. Công tác này cũng được ngành Y tế quan tâm, triển khai nghiêm túc tới các đơn vị y tế. Ngoài chất thải bề mặt thu gom riêng không phải qua hệ thống xử lý, 5/5 bệnh viện tuyến tỉnh, 9/9 bệnh viện tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải y tế nguy hại theo công nghệ vi sinh của Nhật Bản. Hầu hết các bệnh viện đều được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Riêng Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ đang làm hồ sơ xin cấp phép xả nước thải. Tại các phòng khám đa khoa khu vực, có 2 đơn vị có hệ thống xử lý nước thải được xây dựng thí điểm theo đề tài nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ. Còn lại 9 phòng khám đã có bể thu gom lắng đọng để thu gom và xử lý nước thải y tế bằng hóa chất khử khuẩn; 6 phòng khám khu vực xử lý ban đầu bằng hóa chất khử khuẩn rồi cho vào hệ thống nhà vệ sinh tự hoại của đơn vị. Tương tự như chất thải rắn, chất thải lỏng nguy hại ở các trạm y tế cũng rất ít. Vì vậy, đến thời điểm này mới chỉ có 5 trạm y tế có hệ thống xử lý nước thải y tế; 50 trạm có bể thu gom lắng đọng để xử lý bằng hóa chất; 75 trạm y tế thu gom thủ công rồi xử lý ban đầu bằng hóa chất khử khuẩn…

Từ những số liệu trên có thể thấy rằng, việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải, nước thải y tế nguy hại đang được ngành Y tế thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng quy định của các cấp, ngành về vệ sinh môi trường. Ðiều đó được thể hiện qua việc thực hiện quan trắc môi trường tại các bệnh viện tuyến tỉnh với các chỉ số về khói bụi, tiếng ồn, nước thải… đều trong giới hạn cho phép và hầu hết các bệnh viện đều được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước thải chung, góp phần tích cực đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho cộng đồng.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top