Chủ động phòng, chống bệnh than

08:58 - Thứ Hai, 30/09/2019 Lượt xem: 8564 In bài viết

ĐBP - Bệnh than ở người là bệnh lây truyền từ động vật do trực khuẩn than Bacillus anthrasis. Bệnh thường xuất hiện ở động vật ăn cỏ và lây truyền sang người có thể thành dịch với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh biểu hiện gồm 3 thể chính tùy thuộc vào đường lây truyền: Thể da, thể phổi và thể tiêu hóa (thể dạ dày, ruột và thể hầu, họng), ngoài ra có thể màng não.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ổ chứa bệnh than là động vật, thường là động vật ăn cỏ (bao gồm trâu, bò, cừu, ngựa, dê…) và động vật hoang dã. Nha bào than tồn tại rất lâu trong đất, sản phẩm da, lông, xương của động vật bị nhiễm và có thể lây sang người sau nhiều năm. Sản phẩm da, xương, lông động vật bị nhiễm trực khuẩn than có thể là nơi trú ngụ của bào tử than trong nhiều năm và là nguồn truyền nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh từ một vài giờ tới 7 ngày, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi phơi nhiễm, thời gian ủ bệnh trung bình 30 ngày. Sự lây truyền của bệnh than từ người sang người là rất hiếm xảy ra. Ðường lây truyền: Qua đường da do da bị tổn thương tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất thải, các mô, lông, da, xương của động vật mắc bệnh than hoặc tiếp xúc với các sản phẩm làm từ những nguyên liệu của động vật bị nhiễm bệnh như mặt trống, bàn chải, áo da…; qua đường hô hấp, do hít phải nha bào vi khuẩn, thường gặp trong công nghiệp chế biến da, len, xương hoặc tiếp xúc trực tiếp với động vật mắc bệnh than; qua đường tiêu hóa do ăn phải thực phẩm bị nhiễm phải trực khuẩn than. Các biểu hiện bệnh nghi ngờ: Thể da lúc đầu ngứa, sau đó nổi mụn nước, tạo vết loét màu đen thường không đau, hay gặp ở cánh tay, bàn tay, xung quanh miệng và đầu gối; thể phổi triệu chứng tương tự như viêm đường hô hấp nhưng tiến triển nhanh gây ra khó thở nặng và sốc; thể ruột hiếm gặp, biểu hiện đau bụng dữ dội kèm theo sốt, nhiễm khuẩn huyết; thể màng não hiếm gặp, khởi phát cấp tính sốt cao có thể kèm co giật, mất ý thức…

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2012 - 2018, trên địa bàn tỉnh có 194 ca mắc bệnh than. 7/10 huyện thị, xã, thành phố có ca bệnh; trong đó, tập trung nhiều ở các huyện: Tuần Giáo 104 trường hợp, Tủa Chùa 42 trường hợp, Mường Ảng 31 trường hợp... có huyện mới xuất hiện ca bệnh trong thời gian gần đây (Ðiện Biên 2 trường hợp; Nậm Pồ 2 trường hợp…). Kết quả điều tra cho thấy, hầu hết các bệnh nhân mắc do ăn, chế biến, giết mổ trâu bị mắc bệnh, ốm chết (trong đó, ăn thịt trâu ốm chết là 146 ca; chế biến, giết mổ 42 ca; 1 trường hợp tiếp xúc với môi trường có trâu chết, mắc bệnh sau 1 tuần). 100% các trường hợp mắc than trên địa bàn trong thời gian qua đều ở thể da, biểu hiện bệnh lành tính, đều được điều trị tại các cơ sở y tế và khỏi bệnh.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh này. Hàng năm đơn vị đều tham mưu cho UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch; thực hiện giám sát các ca bệnh, giám sát tích cực trong cộng đồng nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh, giám sát người dân có tiếp xúc và sử dụng thịt trâu bệnh; tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm (người, súc vật, môi trường) gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm; tổ chức thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân tại phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện. Ðồng thời, tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho người dân tại các bản có bệnh và địa bàn các xã lân cận, tiến hành phun hóa chất khử trùng, tẩy uế môi trường nơi có bệnh… Nhờ đó, số ca mắc bệnh giảm dần qua các năm. 100% các ca bệnh điều được điều trị khỏi, không thiệt hại về người. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống bệnh than trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn như: Hầu hết các ca bệnh đều ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, gây hạn chế cho các hoạt động giám sát và phòng chống dịch. Ðối tượng mắc bệnh thường là đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu kiến thức về phòng chống dịch bệnh, do đó dẫn đến các hành vi nguy cơ như giết mổ, ăn thịt gia súc chết; ngành Y tế khó tiếp cận với các thông tin về tình hình dịch trên đàn gia súc, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh trên người...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top