Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn

15:15 - Thứ Năm, 17/10/2019 Lượt xem: 7260 In bài viết

Sáng 17-10, tại trường đại học (ĐH) Y Dược - ĐH Huế, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 27 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khóa 6 thuộc dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng và tặng quà cho 27 bác sĩ trẻ tình nguyện.

Đây là khóa đầu tiên được đào tạo cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong tổng số 354 bác sĩ đang được đào tạo tại 3 trường, gồm: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược - ĐH Huế và ĐH Y- Dược Hải Phòng.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở y tế các tỉnh  miền Trung, Tây Nguyên và các đơn vị y tế tuyến huyện tham gia dự án.

Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” được Bộ Y tế triển khai thực hiện vào tháng 2-2013 với mục tiêu đảm bảo bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Đến năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn trên.

Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác thực hiện dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”.

Theo đó, 27 bác sĩ trẻ khóa 6 (trong đó có 21 bác sĩ là người dân tộc Ba Na, Hre, Jrai, Pa Cô, Vân Kiều) được bàn giao đợt này thuộc 8 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, ngoại, nhi, nội, phụ sản và y học cổ truyền sẽ được cấp bằng chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề tình nguyện về công tác tại 14 huyện nghèo thuộc 6 tỉnh Điện Biên, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải Bệnh viện tuyến trên; tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tặng bằng khen cho 20 tập thể, 36 cá nhân đạt thành tích trong công tác thực hiện dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top