Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ việc đưa bác sĩ nhi về cơ sở

14:53 - Thứ Ba, 05/11/2019 Lượt xem: 8287 In bài viết

Đưa bác sĩ trẻ, giỏi về cơ sở ở những xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn là dự án được Bộ Y tế triển khai từ năm 2013 theo Quyết định 585/QĐ-BYT ngày 20-2-2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc dịch vụ y tế, đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân tại cơ sở.

Bác sĩ nội trú của BV Nhi Trung ương cắm chốt ở BV Đa khoa Mường Khương.

Tỷ lệ chuyển tuyến giảm

Thực hiện dự án này, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đã triển khai thí điểm việc đưa bác sĩ trẻ, giỏi của BV về “cắm” tại BV huyện, thậm chí tại trạm y tế xã để nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo tuyến và tăng cường nhân lực chất lượng cao cho tuyến cơ sở

BV Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) là một trong những BV đầu tiên ở tuyến huyện được đón nhận 3 nữ bác sĩ nội trú trẻ Hoàng Phương Thanh, Nguyễn Thị Giang và Đặng Thị Cẩm Băng của BV Nhi Trung ương về làm việc ngay tại BV trong thời gian liên tục 2 tháng.

Đây cũng là một trong 4 điểm của y tế tuyến dưới đã được hưởng lợi từ Dự án Đào tạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu Nhi khoa – BV Nhi Trung ương bao gồm: BV Đa khoa Mường Khương, Lào Cai; Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An; BV Đa khoa Triệu Sơn, Thanh Hóa và trạm y tế xã Yên Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình.

Đối với tuyến huyện, BV Nhi Trung ương cử 2-3 bác sĩ nội trú bệnh viện xuống công tác luân phiên liên tục trong vòng 2 năm nhằm hỗ trợ chuyên môn, đồng thời đào tạo cho các bác sĩ, cán bộ y tế tại bệnh viện và nhân viên y tế trong khu vực.

Trung bình mỗi ngày BV Đa khoa Mường Khương có khoảng 40 – 50 trẻ đến khám. Số điều trị nội trú luôn duy trì mức cao gần ngang số trẻ đến khám. Ngoài nhân lực của BV, từ khi có các bác sĩ về “cắm chốt”, công tác chăm sóc, điều trị cho trẻ em trên địa bàn của BV Đa khoa Mường Khương đã có những thay đổi, bởi các bác sĩ trẻ này đã cùng với các y bác sĩ của BV thực hiện và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới trong chăm sóc, điều trị nhi khoa như: Đặt nội khí quản sơ sinh; cấp cứu ngừng tuần hoàn xử lý sốc giảm thể tích; nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh; tham mưu triển khai xét nghiệm đông máu cơ bản tại bệnh viện; thành lập phòng khám Chuyên khoa Nhi tại khoa Khám bệnh…

Từ tháng 11/2018 đến nay, BV Nhi Trung ương đã triển khai Dự án Đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu nhi khoa, đưa bác sĩ nội trú bệnh viện tới 3 huyện và 1 xã kể trên. Những kết quả của dự án đã được chứng minh tính thực tiễn đem lại nhiều hiệu quả đáng mừng.

Tới thời điểm hiện tại, qua công tác đánh giá từ các đợt giám sát, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại 3 bệnh viện và trung tâm y tế  tăng từ 120 – 200% so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm rõ rệt, số lượng mặt bệnh được điều trị tại chỗ  ngày một tăng.

Một số kỹ thuật mới thực hiện thành công ở tuyến dưới

Dự án đưa bác sĩ trẻ, giỏi về cơ sở không chỉ giúp tỷ lệ chuyển tuyến giảm, mà các bác sĩ còn đưa một số kỹ thuật mới vào triển khai ngay tại địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực sơ sinh như thở CPAP, nuôi dưỡng trẻ đẻ non thấp cân…

Trẻ em được bác sĩ của BV Nhi Trung ương thăm khám.

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ, với quan điểm người dân không tới được với bác sĩ thì bác sĩ sẽ tới với người dân, chúng tôi muốn những người dân tại những vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được với những dịch vụ khám chữa bệnh như tại bệnh viện tuyến Trung ương, giảm bớt khó khăn cho bà con về khoảng cách địa lý hay kinh tế.

Việc đưa bác sĩ của BV Nhi Trung ương về “3 cùng” tại BV đa khoa, Trung tâm y tế tuyến huyện là vô cùng cần thiết, bởi ngoài nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu cho người dân, đặc biệt là các em nhỏ, không phải vượt tuyến, vừa khó khăn, vừa tốn kém.

Theo GS.TS Lê Thanh Hải, trong quá trình triển khai, các bác sĩ sẽ tích cực đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ, cán bộ tuyến dưới để khi dự án kết thúc, các bệnh viện đã có một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có tính hệ thống và tiếp tục đảm nhiệm được công tác khám chữa bệnh như khi có các bác sĩ của bệnh viện Nhi Trung ương tại đó.

Tính tới thời điểm hiện tại, mỗi lượt cử các bác sĩ luân phiên xuống công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế khoảng 2-3 tháng, các bác sĩ đã đào tạo trung bình 3-4 bài giảng, chủ đề cho các cán bộ y tế tại đây với tổng số trên 50 bài giảng và chủ đề. Những kiến thức được các bác sĩ BV Nhi Trung Tương truyền đạt, chia sẻ đều là những kiến thức hết sức thực tế, gắn liền với tính đặc thù của bệnh viện, địa phương nên khả năng áp dụng cao, có tính thực tiễn và dễ tiếp thu.

Theo nhận xét của BSCKI. Đặng Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An – nơi có 2 bác sĩ nội trú đang công tác tại đây thì các bác sĩ tuyến trung ương về cùng làm việc với bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện rất nhiều, đặc biệt có những trường hợp cấp cứu nhi khoa được xử trí kịp thời, đúng cách, đã cứu sống không ít trẻ, đem lại niềm tin cho người dân. 

Song song với hoạt động tại chỗ, BV Nhi Trung ương còn thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi chuyên môn từ xa, thực hiện áp dụng công nghệ 4.0 trong việc hỗ trợ chẩn đoán, hội chẩn như các hoạt động Telemedicine: ECHO, Telerad nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đào tạo tại nơi có dự án triển khai.

Ngoài ra, Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa phối hợp các đơn vị trong bệnh viện còn tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá hiệu quả và hỗ trợ chuyên môn tại chỗ, thông qua đó chúng tôi ghi nhận những điểm tích cực và những hạn chế, từ đó đưa ra những giải pháp và kế hoạch cho những thời gian tiếp theo, nâng cao hiệu quả của Dự án.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top