Số bệnh nhân nhiễm cúm A tăng cao, Bộ Y tế ra khuyến cáo

08:40 - Thứ Tư, 18/12/2019 Lượt xem: 7925 In bài viết

Bệnh viện Nhi trung ương đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân mắc cúm A. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100-120 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi... nghi ngờ mắc cúm.

Tiêm vắc xin cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

Những ngày qua, tại nhiều cơ sở y tế, số bệnh nhân nhiễm cúm A tăng cao.

Bệnh viện Nhi trung ương đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. 

Theo Phó Giáo sư Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi và khi có chỉ định của bác sĩ.

Hiện Bệnh viện Nhi trung ương đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để thông báo tình trạng kho thuốc đang hết dần thuốc Tamiflu để Cục có giải pháp kịp thời.

Trước xu hướng tăng các trường hợp nhiễm cúm A, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.

Bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc bắn ra. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Người dân cần tiêm vắc xin cúm mùa - đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Người bệnh khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top