Phòng, chống bệnh viêm da cơ địa vào mùa đông

09:27 - Thứ Hai, 23/12/2019 Lượt xem: 8848 In bài viết

ĐBP - Viêm da cơ địa là một dạng bệnh mãn tính về da gây ra những triệu chứng như khô da, bong vảy và ngứa ngáy. Căn bệnh này thường bùng phát mạnh mẽ hơn khi thời tiết lạnh và hanh khô, nhất là vào mùa đông. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này vào mùa đông nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ em.

Bác sĩ Khoa Khám bệnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khám cho trẻ bị viêm da cơ địa.

Vào mùa đông, không khí lạnh kết hợp với các biện pháp sưởi ấm có thể làm cho viêm da cơ địa tái phát bởi vì da không thể tự cung cấp đủ độ ẩm cần thiết. Ngoài ra, việc tắm nước nóng cũng làm da khô và tăng khả năng viêm da cơ địa tái phát. Ðối với trẻ em, sức đề kháng còn non nớt, dễ bị dị ứng nên càng dễ mắc bệnh viêm da cơ địa vào thời điểm này. Bác sĩ Dương Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: Mới chỉ trong đợt rét gần đây, số lượng bệnh nhân tới khám, điều trị viêm da cơ địa tăng lên nhiều lần so với thời gian trước. Trong đó, 70% số bệnh nhân đến khám là trẻ em. Các bệnh nhân đều có các triệu chứng ngứa, sưng đỏ, chân tay viêm... Có nhiều trường hợp bệnh nhân nặng bị nhiễm trùng, có mụn mủ, các chỗ viêm chảy nước... cần thời gian điều trị dài hơn.

Với căn bệnh này, ngứa là triệu chứng điển hình nhất khi gặp ở hầu hết các trường hợp. Ở trẻ nhỏ khi ngứa sẽ gãi, nếu móng tay dài làm trầy xước, chảy máu và rất dễ bị nhiễm khuẩn gây lở loét, mưng mủ và da ở vùng này thường bị dày lên. Do trên da bình thường có rất nhiều loại vi khuẩn, chúng sống ở đó với vai trò cộng sinh, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ gây bệnh. Vì vậy, trong các trường hợp như thế này sẽ làm tình trạng viêm da nặng hơn rất nhiều gây khó khăn cho điều trị và khi khỏi dễ để lại sẹo. Ngoài triệu chứng da khô, nổi ban, mụn nước thì vùng bị viêm còn có thể bị nứt nẻ, có khi không gãi cũng gây chảy máu. Nguyên nhân của viêm da cơ địa được xác định là do sự phối hợp của yếu tố di truyền (người có cơ địa dị ứng) với các yếu tố môi trường (do thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp, các hóa chất...). Mặc dù bệnh viêm da cơ địa ít gây nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh, nhất là với trẻ em khi bị mắc căn bệnh này.

Cũng theo bác sĩ Dương Văn Thịnh, vào mùa đông, viêm da cơ địa dễ xuất hiện và tái phát nhiều lần, bệnh nhân cần đi khám, tốt nhất là khám chuyên khoa da liễu nhằm xác định căn nguyên, điều trị sớm, đúng, tránh để xảy ra biến chứng. Ngoài điều trị chống viêm, chống ngứa có thể được dùng thuốc diệt vi khuẩn, vi nấm tại chỗ (nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm). Cần vệ sinh làn da sạch sẽ và giữ độ ẩm cho da bằng nhiều phương pháp khác nhau, như: Bôi kem dưỡng ẩm, máy tạo độ ẩm không khí, bổ sung nước cho cơ thể... Tuy nhiên, không nên dùng các loại mỹ phẩm bừa bãi, tùy tiện, chỉ nên sử dụng các loại đã quen thuộc, uy tín. Ðối với trẻ em, việc phụ huynh lưu ý giữ độ ẩm cho da trẻ là điều kiện quan trọng để giảm bớt nguy cơ mắc viêm da cơ địa.  Ngoài ra, cũng cần hạn chế tiếp xúc hóa chất, khói bụi, khói thuốc... và các nguyên nhân gây dị ứng khác. Sử dụng các loại thực phẩm phù hợp là cách tốt nhất để tránh làm tình trạng viêm da cơ địa bùng phát vào mùa đông. Không nên ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc các loại thực phẩm lạ. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi xây dựng chế độ ăn uống dành riêng cho viêm da cơ địa. Ðồng thời, có thể sử dụng vitamin D theo chỉ định bởi nhiều chuyên gia tin rằng việc bổ sung vitamin này có thể cải thiện tình trạng bùng phát viêm da cơ địa vào mùa đông.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top