Không nên quá hoang mang với dịch cúm

08:39 - Thứ Sáu, 27/12/2019 Lượt xem: 10379 In bài viết

ĐBP - Hiện nay trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ đang xảy ra dịch cúm gây lo lắng cho nhiều người dân. Nhiều người khi có các triệu chứng: sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu... đều nghĩ mình mắc cúm A nên đổ xô đến bệnh viện khám và thực hiện “test” nhanh xem thực hư ra sao.

Bác sĩ khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) điều trị cho bệnh nhân mắc cúm.

Chị Lò Thị Pánh (xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên) chia sẻ: Khi thấy cơ thể không khỏe, có những biểu hiện như ho khan, sốt, người nhức mỏi chị lập tức đến bệnh viện test “cúm”. Kết quả dương tính nên bản thân chị và gia đình rất lo lắng. Gia đình chị đã hỏi các bác sĩ để tiêm phòng cúm mùa cho cả nhà. Nhưng sau đó khi xét nghiệm PCR chị lại âm tính với cúm A, B nên chị được bác sĩ cho về nhà, chị mừng lắm.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Từ ngày 16 - 23/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm 12 trường hợp (có kết quả test nhanh dương tính cúm A, B) vào điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR: 6 ca dương tính với cúm A/H1pdm; 1 ca dương tính với cúm B; 5 ca âm tính với cúm A, B. Hàng năm tại địa phương trung bình có trên 14.000 người mắc cúm, nhưng theo giám sát năm 2019, tính đến tháng 11 ghi nhận 9.861 người mắc cúm, thấp hơn rất nhiều so với số mắc trung bình hàng năm và thấp hơn 14,5% so với cùng kỳ năm 2018. Qua đó bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang tin vào kết quả test nhanh “cúm”, bởi phương pháp này cũng không chính xác hoàn toàn vì nó có thể gây dương tính giả. Muốn an toàn và chắc chắn, cần phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR.

Từ ngày 16/12 đến nay, Trung tâm ghi nhận có 288 trường hợp nghi ngờ mắc cúm vào Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Kết quả test nhanh chỉ có 123 trường hợp dương tính với cúm A, B (trong đó: 112 ca dương tính cúm tuýp A, 11 ca dương tính cúm tuýp B; 30 trường hợp có diễn biến nặng cần nhập viện điều trị). Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là những người có bệnh mãn tính về tim, phổi... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, nên khi phát hiện dấu hiệu mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế và bệnh viện để được điều trị kịp thời. Cháu Trần Thị Khánh Chi (2 tuổi, xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) vào viện và được chẩn đoán mắc cúm A. Mẹ cháu cho hay: “Khi thấy con sốt mãi không hạ, tôi đưa con lên Bệnh viện Ða khoa tỉnh, biết con mắc cúm A, tôi rất sợ hãi và lo lắng, nhưng mấy ngày qua nhập viện, được các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm điều trị và giải thích bệnh có thể điều trị, con gái tôi cũng hạ sốt, giờ tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm, trút được nỗi lo âu bao ngày qua. Giờ tôi chỉ mong con gái mau chóng khỏi bệnh”.

Cúm A tuy là một căn bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng là căn bệnh có thể phòng, tránh và chữa trị. Năm 2019, số người mắc bệnh cúm giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, người dân không nên quá lo sợ hay hoang mang về tình hình dịch cúm. Hiện đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan. Người dân nên đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, thường xuyên rửa tay với xà phòng; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin phòng cúm mùa; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm, sử dụng khẩu trang y tế.  Ðặc biệt người dân không được tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của bác sĩ; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời.

Bài, ảnh: Lan Hương - Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top