Phòng, chống cúm mùa và một số bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi-rút

08:55 - Thứ Ba, 14/01/2020 Lượt xem: 9614 In bài viết

Điều kiện khí hậu đang là mùa đông xuân rất thuận lợi cho cúm hay các bệnh đường hô hấp do vi-rút phát triển. Do vậy, mỗi người dân cần hiểu đúng và thực hiện các biện pháp dự phòng hiệu quả.

Cán bộ Đội Kiểm dịch y tế cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho hành khách qua lại cửa khẩu. Ảnh: Quang Duy (TTXVN)

Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính do vi-rút thường xảy ra vào mùa đông xuân và do nhiều loại vi-rút khác nhau gây nên, trong đó vi-rút cúm chỉ là một trong số những tác nhân gây bệnh. Tình trạng diễn biến của bệnh và mức độ lây truyền tùy thuộc vào từng tác nhân và tùy theo thể trạng của từng người. Người bệnh thường có những biểu hiện lâm sàng giống nhau, rất khó để chẩn đoán phân biệt cho từng tác nhân trên lâm sàng. Triệu chứng hay gặp là: sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau người, mệt mỏi, chán ăn. Tùy theo mức độ tổn thương ở đường hô hấp mà có thể có thêm các triệu chứng như: hắt hơi, chảy nước mũi, ho, đau họng hoặc khó thở... Khám lâm sàng có thể phát hiện thấy các mức độ tổn thương đường hô hấp như: viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi… ở các mức độ từ vừa đến nặng. Các triệu chứng thường kéo dài khoảng hai đến năm ngày nếu không có biến chứng.

Ở trẻ nhỏ, nếu có bội nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản phổi. Tác nhân gây bệnh gồm nhiều loại vi-rút hay gặp như: cúm, á cúm; hợp bào hô hấp, adeno; Rhino; Corona... Phương thức lây truyền của các vi-rút này là qua đường hô hấp, chủ yếu do hít phải các dịch tiết đường hô hấp, nước bọt của người bệnh bắn ra do ho, hắt hơi, nói chuyện. Những giọt nước bọt nhỏ có thể khuếch tán rộng trong không khí để lây bệnh trong môi trường khép kín, tiếp xúc gần. Ngoài ra bệnh có thể lây nhiễm gián tiếp qua bàn tay, khăn tay, đồ dùng bị nhiễm tác nhân gây bệnh.

Trong số các tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút, quan trọng nhất phải kể đến là cúm mùa, một bệnh rất phổ biến và đã được biết đến từ lâu. Bệnh có thể mắc ở tất cả các lứa tuổi và lưu hành ở khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các ca bệnh cúm diễn biến lành tính, thường diễn biến cấp tính trong ba đến năm ngày sau đó bệnh tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh cúm cũng rất nguy hiểm ở một số nhóm người có nguy cơ cao dễ gây biến chứng và có thể tử vong như ở phụ nữ có thai, người hơn 65 tuổi, trẻ em dưới năm tuổi, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, bệnh phổi mãn tính, suy giảm miễn dịch… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hằng năm có từ ba đến năm triệu ca bệnh nặng phải nhập viện, trong đó có từ 300 đến 600 nghìn ca tử vong. Bệnh cúm hay gặp nhất là vào mùa đông xuân, thời tiết lạnh, ẩm, mọi người có xu hướng ở trong phòng kín, đông người cho nên tạo điều kiện cho cúm lây lan, phát triển. Dịch cúm gia tăng trong mùa đông xuân cũng là quy luật thông thường của bệnh cúm.

Vi-rút cúm mùa gồm có cúm A, cúm B và cúm C trong đó phân tuýp A/H1N1, A/H3N2 và cúm B lưu hành trên toàn cầu và thường gây ra các vụ dịch cúm mùa hằng năm ở người. Các tuýp vi-rút cúm có thể đồng thời lưu hành hoặc luân phiên nhau gây dịch, có lúc tuýp vi-rút này trội lên ở một số thời điểm, lúc khác lại thoái lui để thay thế bằng các tuýp vi-rút khác. Vi-rút cúm có đặc điểm là thường xuyên biến đổi, cho nên người bị mắc bệnh của mùa cúm năm nay không tạo được miễn dịch bảo vệ cho mùa cúm năm sau, chính vì vậy mà hằng năm dịch cúm vẫn luôn xuất hiện.

Tại Việt Nam, qua theo dõi của hệ thống giám sát cúm quốc gia cho thấy, năm 2019 có 441.415 ca mắc hội chứng cúm, thấp hơn đáng kể so với năm 2018 với 528.484 ca. Các chủng vi-rút cúm gây dịch năm 2019 chủ yếu vẫn là cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B, giống như mọi năm và không có biến đổi bất thường. Do hầu hết các ca bệnh cúm có diễn biến lành tính, cho nên chỉ cần điều trị triệu chứng bằng các thuốc thông thường như giảm sốt, ho, nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi khi cần. Bên cạnh đó, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng. WHO và Bộ Y tế không khuyến cáo và không chỉ định dùng thuốc kháng vi-rút trong đó có Tamiflu cho những bệnh nhân cúm mùa với diễn biến thông thường. Thuốc kháng vi-rút Tamiflu chỉ được chỉ định cho những người bị mắc cúm nặng hoặc những người có nguy cơ cao bị biến chứng như trẻ em dưới năm tuổi, người già hơn 65 tuổi, các trường hợp có bệnh mãn tính như hen, bệnh phổi mãn, tim mạch, suy giảm miễn dịch. Việc dùng Tamiflu phải do thầy thuốc chỉ định, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc kháng vi-rút vì có thể gây bất lợi cho người bệnh, nhất là dùng bừa bãi, tràn lan có thể gây kháng thuốc và rất nguy hiểm cho cộng đồng. Việc người dân tích trữ thuốc Tamiflu là hoàn toàn không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí.

Mặc dù bệnh cúm mùa rất phổ biến, dễ lây nhưng đã có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu, rất an toàn và hiệu quả. Chính vì vậy việc phòng bệnh quan trọng nhất là mọi người nên tiêm vắc-xin cúm mùa hằng năm, nhất là nhóm người có nguy cơ cao như: người hơn 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, nhân viên y tế. Ngoài ra các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu khác cũng rất quan trọng bao gồm: bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng… Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Gần đây tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã ghi nhận dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân là một vấn đề y tế công cộng cần phải quan tâm. Tính đến ngày 7-1-2020, tại TP Vũ Hán phát hiện 59 người mắc bệnh, không có tử vong. Tác nhân gây bệnh hiện vẫn chưa xác định được; tất cả người bệnh đều được cách ly và điều trị tại bệnh viện. Hiện tại không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người; không có cán bộ y tế nào bị mắc bệnh. Các ca bệnh xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 29-12-2019. Đến nay đã loại trừ tác nhân gây bệnh là cúm, MERS, adeno vi-rút. Việc xét nghiệm để tìm các tác nhân gây bệnh khác vẫn đang được tiếp tục. Hiện nay WHO không khuyến cáo bất kỳ một biện pháp đặc biệt nào đối với việc hạn chế di chuyển, đi lại, giao thương với Trung Quốc cũng như trên thế giới. WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên tiếp tục thực hiện việc giám sát chặt chẽ bệnh cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng.

Tại Việt Nam, để chủ động cho công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại Trung Quốc, các đơn vị chức năng cần theo dõi sát diễn biến tình hình dịch tại Trung Quốc cũng như quốc tế. Bên cạnh đó cần tăng cường việc giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là viêm phổi nặng tại các cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện để có thể phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ đầu tiên, chủ động cách ly, xử lý kịp thời. Mặt khác, bảo đảm việc thông tin, báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định. Bên cạnh đó cần rà soát kế hoạch đáp ứng dịch bệnh tại các địa phương; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc cũng như bố trí nhân lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân.

GS, TS Đặng Đức Anh

Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ T.Ư

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top