Phòng, chống bệnh lao còn gặp nhiều khó khăn

15:06 - Thứ Hai, 09/03/2020 Lượt xem: 7890 In bài viết

ĐBP - Lao là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ cao về sự lây lan trong cộng đồng và nhiều khả năng dẫn đến tử vong. Những năm qua, công tác phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này được ngành Y tế tiếp tục duy trì và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Y, bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi khám sàng lọc bệnh nhân lao tại xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên).  Ảnh: Diệp Chi

Trong tháng 2 và đầu tháng 3/2020, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi triển khai khám sàng lọc phát hiện chủ động người mắc bệnh lao tại cộng đồng tại 25 điểm thuộc các xã Thanh Nưa, Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống (huyện Ðiện Biên). Tại các điểm khám, tất cả những người có tên trong danh sách nghi nhiễm lao đều được tư vấn trực tiếp, khám lâm sàng. Nếu đủ các dấu hiệu bệnh sẽ được chỉ định chụp X-quang phổi và làm xét nghiệm GeneXpert. Khi phát hiện bệnh nhân nhiễm lao sẽ bàn giao lại cho Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên theo dõi và điều trị. Ngoài ra, chương trình còn mở lớp đào tạo cho cán bộ chuyên trách lao tuyến xã và tổ chống lao tuyến huyện về công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao; tổ chức 25 buổi tuyên truyền phòng, chống bệnh lao tại 25 điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ðức Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch - Chỉ đạo tuyến, để triển khai được đợt tầm soát bệnh lao như thế này là hết sức khó khăn do chi phí tương đối lớn. Mỗi đợt triển khai khoảng trên 400 triệu đồng.

Trong khi kinh phí của đơn vị không đủ trang trải nên chủ yếu phải nhờ vào các nguồn tài trợ. Tỉnh Ðiện Biên có tỷ lệ mắc lao 145/100.000 dân, tức là với dân số khoảng trên 598.000 thì số bệnh nhân lao có thể lên tới trên 860 người. Nhưng năm 2019 toàn tỉnh mới chỉ phát hiện được 177 trường hợp nhiễm lao. Như vậy còn rất nhiều các bệnh nhân lao còn chưa được phát hiện trong cộng đồng. Các thể lao thường gặp trên địa bàn tỉnh là lao phổi, lao màng phổi, lao xương khớp, lao màng não… Trong đó lao màng não có tỷ lệ tử vong cao nhất. Các thể lao khác nếu không được phát hiện bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 5 năm; phát hiện, điều trị muộn có thể gây tàn phế. Trong năm 2019 đã có 10 trường hợp tử vong do mắc lao vì phát hiện quá muộn. Nguồn lây lan chủ yếu từ những người lao phổi, sau đó biến chứng ra các thể lao khác. Nhưng công tác phát hiện nguồn lây vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị với bệnh nhân lao, dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Mặt khác, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức chống lây lan cho cộng đồng. Không chỉ vậy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 7 trường hợp điều trị không đầy đủ gây ra tình trạng kháng thuốc. Trong khi việc điều trị cho các bệnh nhân này tốn kém gấp 100 lần so với bệnh nhân khác mà tỷ lệ khỏi bệnh chỉ còn 70%.

Cũng theo bác sĩ Vinh, lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng, lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp từ các tiếp xúc thông thường như ho, hắt hơi, nói chuyện… Nguy cơ mắc lao có thể xảy ra với bất cứ người nào nhưng bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Vì vậy, để mỗi người hiểu rõ tác hại của bệnh, đi khám phát hiện và điều trị kịp thời, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh cho chính mình và cộng đồng. Ðây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ y tế trực tiếp làm công tác phòng, chống lao mà còn cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cả người dân. Khi người dân có dấu hiệu nghi lao, như: Ho khạc đờm trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, ho ra máu… và những người sống chung với người nhiễm lao, có tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây cần đến các cơ sở y tế để được khám sàng lọc bệnh lao.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top