Cảnh giác với tai nạn trẻ em

10:42 - Thứ Ba, 10/03/2020 Lượt xem: 8212 In bài viết

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh trên cả nước phải nghỉ học dài ngày. Tuy nhiên, nghỉ học quá nhiều ngày cũng là nguy cơ khiến trẻ gặp các tai nạn thương tích cao hơn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bên cạnh việc giáo dục trẻ phương pháp giữ vệ sinh phòng dịch thì cảnh giác với nguy cơ tai nạn cũng là điều cần thiết. 

Nhân viên y tế BV Nhi đồng 1 đang theo dõi và chăm sóc bé N.H.L. sau phẫu thuật.

Nhập viện vì bất cẩn

Bệnh viện (BV) Nhi đồng TPHCM vừa gắp thành công một mảnh xương cá nằm trong góc nhánh phế quản phổi phải của bé trai P.Đ.K. (13 tháng, ngụ Bình Chánh). Bé nhập viện trong tình trạng thở co lõm ngực nhẹ, phổi thở rít. Mặc dù đã kiểm tra kỹ phim X-quang nhưng không rõ dị vật, các bác sĩ khoa hô hấp vẫn nghi ngờ tình trạng dị vật bỏ quên trong đường thở nên quyết định tư vấn người nhà bé nội soi kiểm tra. Kết quả nội soi cho thấy mảnh xương mềm, bờ sắc gai góc như xương cá ở ngay lỗ phế quản trung gian phổi phải; các bác sĩ nhanh chóng gắp nhẹ nhàng dị vật ra khỏi phế quản bệnh nhi. Sau gắp dị vật, bé đã thở dễ, sinh hoạt ăn bú không còn trở ngại.

Trước đó, BV Nhi đồng TP cũng tiếp nhận một bé gái 9 tuổi, quê Sóc Trăng, lên Bình Chánh chơi trong khi được nghỉ học. Bé đã cầm chìa khóa chơi rồi nuốt vô bụng. Một bé trai khác hơn 2 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, cũng được đưa đến BV Nhi đồng TP cấp cứu do nuốt phải đinh vít. BV cũng vừa tiếp nhận 2 bệnh nhi uống nhầm nước xịt khử khuẩn và nước giặt gây loét thực quản. Rất may, các bệnh nhi được đưa đến BV kịp thời và điều trị tích cực nên sức khỏe dần ổn định. 

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết, mới đây BV cũng đã thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu cho bé trai N.H.L. (6 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) do nuốt bi nam châm - một loại đồ chơi bán trên mạng gây thủng dạ dày. Tại đây, các bác sĩ đã gắp ra 3 viên bi bắt đầu gỉ sét. Trước đó, trong quá trình nằm chơi bi, bệnh nhi đã lỡ nuốt vào bụng; 6 ngày sau có dấu hiệu đau, gia đình mới đưa đến BV cấp cứu. 

BV Nhi đồng 2 cũng vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 6 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng nhập viện với tình trạng liệt 2 chi dưới và có vết thương do đạn bắn ở vùng lưng. Sáng cùng ngày nhập viện, khi đang chơi với anh trai, bị anh bắn súng hơi có đầu đạn chì vào lưng. Tại đây, bệnh nhi được chụp CT Scan ngực, làm các xét nghiệm tiền phẫu. Phim CT Scan cho thấy viên đạn chì xuyên vào tủy sống ngực; các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh quyết định mổ khẩn cấp để lấy viên đạn chì. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, viên đạn được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Tuy nhiên, do viên đạn xuyên ngang và làm tổn thương tủy sống nên khả năng để lại di chứng rất cao. Sau ca mổ, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định.

Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý

Theo các chuyên gia y tế, nhằm tránh tai nạn đáng tiếc cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý các việc sau: thói quen vừa chơi vừa ngậm đồ chơi, bé có thể bị giật mình, hay bị quên và nuốt vào bụng. BV rất hay gặp trường hợp trẻ bị hóc đồ chơi phải cấp cứu do tháo rời mảnh ghép, đồ chơi bị vỡ thành miếng nhỏ hoặc độ tuổi của bé không phù hợp với đồ chơi. Không chỉ với dị vật, đối với trường hợp trẻ sặc chất lỏng như cháo, bột, sữa bị khó thở, tím tái thì người lớn cần dốc ngược trẻ, vỗ lưng để trẻ ho tống các chất này ra khỏi đường thở. Sau đó, khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.  

Để tránh các tai nạn gây thương tích trong kỳ nghỉ kéo dài do dịch Covid-19, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh hãy đảm bảo luôn có người trông giúp trẻ, nhất là những trẻ nhỏ hiếu động, chưa nhận thức được rủi ro. Nếu để trẻ tự trông nhau, phải đảm bảo trẻ lớn nhất có đủ khả năng và sự quan tâm để trông em. Phụ huynh cần dặn dò kỹ những điều nên và không nên, dạy trẻ cách liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp. Không để những vật sắc nhọn, dễ gây cháy trong tầm với của trẻ. Không để trẻ ở gần nơi có điện hay hồ bơi, thùng chứa nước mà không có người quan sát…

Không để trẻ tự lưu thông trên đường, bởi có những trường hợp trẻ tự đi đến nhà họ hàng, đi mua quà nhưng băng qua đường không quan sát, đi vào phần đường không được phép lưu thông, dẫn đến tai nạn đau lòng. Không để trẻ ở nơi công cộng mà không có người thân ở cạnh bên, đề phòng trường hợp trẻ bị bắt cóc. Nếu cho trẻ ăn quà vặt nên lựa chọn những loại thực phẩm an toàn cho trẻ. Cần đề phòng với những loại thực phẩm mà trẻ con thường yêu thích như các loại hạt, đặc biệt là hạt có cạnh sắc, thạch, rau câu, trà sữa… có thể gây sặc, hóc dị vật. Nếu không sơ cấp cứu kịp thời, trẻ bị hóc dị vật dễ bị suy hô hấp, tổn thương não, thần kinh… và có thể tử vong.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top