Lời khuyên cho bệnh nhân ung thư phòng tránh nhiễm Covid-19

14:32 - Thứ Ba, 17/03/2020 Lượt xem: 6237 In bài viết

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để bảo đảm an toàn với người bệnh và cán bộ y tế, Bệnh viện K đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó thích hợp và hiệu quả, đồng thời đưa ra lời khuyên hữu ích với bệnh nhân ung thư.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, phụ trách Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện K, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với bình thường. Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không ung thư. Trường hợp tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Để bảo đảm an toàn, thời gian qua, Bệnh viện K đã thực hiện công tác khám sàng lọc Covid-19 hằng ngày đối với tất cả cán bộ y tế, người đến khám bệnh, người nhà bệnh nhân và người bệnh đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Với riêng bệnh nhân điều trị, bệnh viện đã khảo sát và theo dõi sát những người có biểu hiện về triệu chứng hô hấp, ho, sốt... Tất cả các khoa, phòng điều trị nội trú đều được bố trí khu vực khám, cách ly cho những người có dấu hiệu lâm sàng, dịch tễ nghi ngờ.

Bác sĩ Phùng Thị Huyền cũng đưa ra lời khuyên, nếu người bệnh bị sốt khi đang hóa trị nhưng không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19 thì không đáng lo ngại, sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Bệnh viện K cũng khuyến cáo người bệnh khi đến khám và điều trị trong mùa dịch Covid-19: Tránh tiếp xúc với nguồn lây, tránh đến nơi đông người; chủ động đeo khẩu trang khi đến bệnh viện và những nơi đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước (trong ít nhất 20 giây) hoặc bằng dung dịch vệ sinh tay khô có ít nhất 60% cồn; tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng; sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy đi; tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào như: Tay nắm cửa, quầy hàng, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại...

Khám và đóng dấu sàng lọc tại cửa ra vào bệnh viện.

Cùng với đó, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch, vừa điều trị bệnh ung thư vừa phòng ngừa dịch bệnh.

Bác sĩ Phùng Thị Huyền cũng cho biết, những người có dấu hiệu bất thường của cơ thể nên chủ động đến khám tầm soát ung thư tại Bệnh viện K hoặc cơ sở chuyên khoa uy tín, đừng vì lo lắng dịch bệnh lan rộng mà bỏ qua "thời điểm vàng" để phát hiện sớm và điều trị ung thư hiệu quả.

Những người bệnh đã điều trị ổn định, không có dấu hiệu bất thường, khi đến lịch tái khám thì có thể trao đổi với bác sĩ để hẹn lùi ngày, không cần thiết phải đến khám ngay trong thời gian cao điểm dịch bệnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top