Không chủ quan với bệnh uốn ván sơ sinh

10:42 - Thứ Hai, 27/04/2020 Lượt xem: 8919 In bài viết

ĐBP - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh có 3 trường hợp bị bệnh uốn ván sơ sinh thuộc các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà và Mường Ảng. Cả 3 trường hợp đều đã tử vong. Từ đầu năm đến nay, mặc dù toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào song với tính chất nguy hiểm của bệnh, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, tránh bệnh uốn ván sơ sinh cho trẻ nhỏ.

Ông Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra công tác tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên. Ảnh: Quang Long

Ca tử vong do mắc bệnh uốn ván sơ sinh tại huyện Mường Ảng xảy ra vào tháng 1/2019. Ngày 27/12/2018, khi có dấu hiệu chuyển dạ, chị Sùng Thị M. ở xã Nặm Lịch không đến cơ sở y tế mà tự sinh con tại nhà. Người đỡ đẻ cho chị M. cũng không phải là cán bộ y tế. 12 ngày sau khi sinh, trẻ đã tử vong. Qua điều tra của cơ quan y tế, trong quá trình đỡ đẻ, người đỡ đã dùng kéo cắt rốn cho trẻ nhưng dụng cụ chưa được vô trùng theo đúng quy định. Trong quá trình mang thai, chị M. không tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván cũng như không đến các cơ sở y tế để khám thai định kỳ.

Trường hợp cháu Vàng Thị L., con chị Ly Thị D. ở bản Huổi Quang II, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) cũng bị tử vong do bệnh uốn ván sơ sinh hồi tháng 3/2019. Qua điều tra hồi cứu, chị D. đẻ thường tại nhà và được người nhà cắt rốn bằng kéo dùng hàng ngày của gia đình. Hơn 1 tuần sau sinh, thấy cháu L. quấy khóc nhiều, bỏ bú, sốt cao nên gia đình đưa trẻ đến Trung tâm Y tế huyện Mường Chà để khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu L. bị viêm phổi sơ sinh/nhiễm trùng rốn. Trung tâm cũng đã chuyển cháu L. lên Bệnh viện Ða khoa tỉnh theo yêu cầu của chuyên môn. Dù được điều trị tích cực song cháu L. đã không qua khỏi và tử vong. Theo người nhà cháu L., khi mang thai cháu L., chị D. không tiêm vắc xin phòng uốn ván.

Cũng như hai trường hợp trên, qua điều tra tiền sử và yếu tố dịch tễ, trường hợp tại huyện Nậm Pồ bị tử vong do uốn ván sơ sinh cũng không tiêm vắc xin phòng uốn ván và không đến các cơ sở y tế để sinh con.

Bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Uốn ván là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do trực khuẩn uốn ván gây ra. Tác nhân gây bệnh uốn ván tồn tại chủ yếu dưới dạng nha bào, có mặt ở khắp nơi trong môi trường đất cát, cống rãnh... Ðối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ chủ yếu qua đường rốn trong quá trình sinh đẻ, cắt rốn hoặc chăm sóc rốn sau đẻ không đảm bảo vô trùng.  Khi bị mắc bệnh uốn ván sơ sinh, trẻ thường có biểu hiện sốt cao 38 - 39oC, có khi lên đến 40 - 41oC, là tiền đề cho các cơn co giật diễn ra (một số khác lại có thân nhiệt xuống dưới 35oC). Về tiến triển bệnh, nếu có diễn biến tốt thì các cơn co giật và triệu chứng cứng hàm ở trẻ sẽ giảm dần, miệng có thể há ra dần. Trường hợp có diễn biến nặng, có thể có biến chứng như viêm phế quản phổi, suy dinh dưỡng; nếu tiến triển xấu sẽ dẫn đến tử vong (tỷ lệ trẻ bị uốn ván sơ sinh tử vong chiếm khoảng 30 - 80% trường hợp mắc).

Theo bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng, với mức độ nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao như vậy việc tiêm vắc xin uốn ván là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con. Ðể việc tiêm vắc xin đạt hiệu quả nhất, phụ nữ phải tiêm đủ 5 mũi: Sau khi tiêm đủ 5 mũi, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho bà mẹ trong quá trình sinh đẻ không bị mắc uốn ván.

Quang Long
Bình luận
Back To Top