Bảo hiểm y tế giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh

09:09 - Thứ Hai, 11/05/2020 Lượt xem: 8011 In bài viết

ĐBP - Ông Lù Văn Lưu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Mường Ảng cho biết: Hiện nay đơn vị đang quản lý trên 48 nghìn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); trong đó đối tượng người dân tộc thiểu số và người nghèo là trên 14 nghìn thẻ. Người có thẻ BHYT chiếm 99,9% dân số trên địa bàn huyện; công tác cấp thẻ BHYT được thực hiện kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi khám, chữa bệnh. Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí đối với người nghèo, đối tượng ưu đãi xã hội và trẻ em; 95% đối với người cận nghèo, người nghỉ hưu và 80% đối với người lao động.

Bộ phận cấp phát thuốc Trạm Y tế xã Xuân Lao cấp thuốc cho người dân khám, điều trị bằng thẻ BHYT tại cơ sở.

Là một trong những người được chi trả bảo hiểm khi điều trị tại bệnh viện, anh Ðỗ Văn Tuấn, tổ dân phố 6, thị trấn Mường Ảng cho biết: “Tôi bị tai nạn gãy 2 xương cẳng tay, phải phẫu thuật và điều trị gần 20 ngày tại bệnh viện. Tiền viện phí, thuốc thang được quỹ BHYT chi trả gần 13 triệu đồng. Rất may là có thẻ BHYT, nếu không thì tôi không biết xoay xở ra sao với số tiền lớn như vậy. Mọi người nên tham gia BHYT, nếu mình không thuộc diện được cấp BHYT thì nên tham gia BHYT tự nguyện, để khi khám, điều trị tại bệnh viện không phải quá lo lắng về tài chính”.

Còn bà Lò Thị Minh, bản Co Hón, xã Xuân Lao, năm 2019 bị tai nạn phải điều trị tại bệnh viện gần 1 tháng, vì có thẻ BHYT nên chi phí thuốc, viện phí, được quỹ bảo hiểm chi trả với số tiền gần 14 triệu đồng. Ngoài ra những lúc ốm đau thông thường, mỗi khi đi khám ở Trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện bà đều được cấp thuốc theo diện BHYT.

Thời gian qua, đã có những trường hợp người lao động buộc phải khám bảo hiểm trái tuyến. Việc phải trả chi phí cao hơn khiến người dân băn khoăn về quyền lợi. Về vấn đề này, ông Lù Văn Lưu cho biết: Thông thường khi được cấp hoặc mua BHYT thì người mua hoặc được cấp phải đăng ký một cơ sở y tế tuyến địa phương ở cấp huyện nơi mình sinh sống, làm việc. Việc khám, chữa bệnh ở những bệnh viện khác thuộc cấp tỉnh, thành phố hay ở 1 huyện, thị xã khác không phải là nơi đăng ký trong BHYT được cho là khám bảo hiểm trái tuyến. Việc khám bảo hiểm trái tuyến chi phí sẽ cao hơn so với việc khám chữa bệnh đúng tuyến. Vì thế để đảm bảo lợi ích cho mình, tránh những vấn đề không mong muốn xảy ra người dân cần cân nhắc kỹ. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến vẫn được tính mức hưởng BHYT giống như mức hưởng khám BHYT đúng tuyến như: Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh; trường hợp cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào; trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu…

Tham gia và thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người dân, nhất là đối với những người nghèo, cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Trong khi đó, hiện nay nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ chi phí. Do đó tham gia BHYT mang lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho người dân.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top