Chủ động phòng bệnh viêm não virus

09:23 - Thứ Hai, 11/05/2020 Lượt xem: 8994 In bài viết

ĐBP - Mùa hè, mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển. Bệnh viêm não virus là tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và mức độ tử vong cao. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 31 trường hợp viêm não do virus.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Anh Nguyễn

Nậm Pồ là một trong những huyện có số ca mắc viêm não virus chiếm tỷ lệ cao. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, trong năm 2019, toàn huyện có 15 ca mắc viêm não virus. 4 tháng đầu năm 2020, toàn huyện có 15 ca mắc bệnh viêm não virus. 11/15 xã trên địa bàn huyện có ca bệnh viêm não virus; trong đó, xã Nậm Nhừ có số mắc cao nhất 3 ca (chiếm 20%).

Bác sĩ Giàng A Chớ, Khoa nội, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Biểu hiện chính của bệnh viêm não virus là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (bao gồm nhức đầu dữ dội, nôn mửa, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...). Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng (đa phần là trẻ em dưới 5 tuổi), dẫn đến biến chứng và tử vong. Căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột...

Ðiều kiện y tế tuyến huyện còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa đủ các phương tiện khoa học kỹ thuật để chẩn đoán bệnh viêm não virus và do virus nào gây ra. Do đó, các ca bệnh khi nhập viện, bác sĩ chỉ thực hiện điều trị theo các triệu chứng (sốt cao, co giật, nôn phóng, hôn mê…) và theo dõi viêm não. Sau khi điều trị các bệnh viêm phổi, viêm phế quản… mà bệnh nhân có triệu chứng của viêm não virus, Trung tâm đều chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Chị Giàng Thị Dua, người dân xã Nậm Nhừ, có con đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện cho biết: Cháu nhà tôi nhập viện từ ngày 4/5 trong tình trạng sốt cao, co giật có kèm nôn mửa… Khi vào viện cháu đã được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, sơ cứu, đến nay đã qua cơn nguy kịch; hết co giật, không còn nôn mửa, nhưng vẫn có biểu hiện sốt cao. Hiện cháu được bác sĩ đang theo dõi viêm não virus…

Bác sĩ Trần Hạnh Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc viêm não virus trên địa bàn chiếm tỉ lệ cao. Ðầu tiên là điều kiện kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến. Phần vì đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế, chưa coi trọng việc tiêm chủng định kỳ cho con em mình (tỷ lệ tiêm chủng hàng năm đạt thấp). Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2020 trẻ em từ 1-5 tuổi tiêm đủ 2 mũi viêm não 1, 2 chỉ đạt 368/2.110 trẻ (chiếm 17,4%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2019). Tỷ lệ trẻ em 1-5 tuổi tiêm viêm não mũi 3 đạt 340/1.747 trẻ (chiếm 19,5%, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019).

Ðể chủ động phòng, chống bệnh viêm não do virus, các bậc phụ huynh cần đưa con em mình đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê …) phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top