Không khuyến khích sinh con thứ ba

14:49 - Thứ Năm, 14/05/2020 Lượt xem: 8598 In bài viết

BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 cũng như mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con sẽ được thực hiện tại các vùng có mức sinh thấp. Chính sách này cũng không khuyến khích sinh con thứ ba.

(Ảnh minh họa)

Mới đây, trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Thủ tướng phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030", khuyến khích nam, nữ thanh niên kết hôn trước tuổi 30, sớm sinh con; phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35. Đây là điều được nhiều bạn trẻ đang ở độ tuổi kết hôn rất quan tâm vì một số địa phương có chính sách thí điểm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con về hỗ trợ nhà ở, chi phí giáo dục...

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, việc khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 sẽ góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi mức sinh thấp và điều này cũng có nhiều ý nghĩa về mặt sức khỏe cho phụ nữ trong việc sinh ra những đứa con khỏe mạnh, ít có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.

Không khuyến khích sinh con thứ ba

Theo BS Mai Xuân Phương, việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 nằm trong bối cảnh cụ thể là chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 và chỉ áp dụng ở vùng mức sinh thấp. Các quyền công dân được tôn trọng theo quy định pháp luật và mỗi người đều có quyền lựa chọn, chương trình chỉ khuyến khích.

Việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 cũng như mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con sẽ được thực hiện tại các vùng có mức sinh thấp sẽ bãi bỏ quy định của tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người dân hoặc cán bộ, đảng viên được khuyến khích sinh con thứ ba.

Theo ông Phương, trước đây nhiều địa phương thường đặt tiêu chí về dân số kế hoạch hóa gia đình là các thôn, xã, làng bản, huyện... không có người sinh con thứ ba trở lên. Với chương trình điều chỉnh mức sinh mới, những tiêu chí này cần được bỏ để không tạo tâm lý cho người dân rằng nhà chức trách đang thực hiện chính sách giảm sinh. Mục đích của chính sách này là nâng mức sinh, hay nói cách khác là điều chỉnh chính sách từ khuyến khích giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Mỗi phụ nữ có trung bình 2,1 con.

Theo ông Phương, các địa phương có chính sách thí điểm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, như: hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, xây dựng kinh tế gia đình. Những người không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn sẽ bị tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng.

Trong chương trình, Chính phủ giao các địa phương phân tích thực tế để áp dụng thí điểm các biện pháp trên cho phù hợp. Sau khi kết thúc thí điểm, sẽ đánh giá để đưa ra những quyết sách chính thức.

“Tôi muốn nhấn mạnh, những chính sách này chỉ áp dụng ở nơi có mức sinh thấp, không phải trên toàn quốc. Địa phương có mức sinh cao tiếp tục vận động người dân không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày, nhiều con. Chúng ta vẫn duy trì khẩu hiệu "dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt". Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các tỉnh, thành triển khai thực hiện chương trình này”, ông Phương nói.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên cả nước nhằm bảo đảm phát triển đất nước. "Mục tiêu khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ hai con, nuôi con khoẻ mạnh, nhằm bảo đảm nguồn lao động, nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế đất nước thời gian tới", ông Sơn nói.

Phụ nữ kết hôn và sinh con muộn đối diện với nhiều nguy cơ

Ông Mai Xuân Phương cho biết, sau khi phân tích số liệu thống kê kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hằng năm về nhân khẩu học, các nhà nghiên cứu nhận thấy thực tế là địa phương mức sinh cao thì độ tuổi kết hôn và sinh con sớm, từ 20 đến 24 tuổi. Nơi mức sinh thấp hoặc rất thấp thì thanh niên có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, từ 25 đến 29 tuổi.

Về sinh học, phụ nữ sinh con trước 30 tuổi sẽ rất tốt cho cả mẹ và trẻ. Sinh con muộn sẽ có nhiều nguy cơ. Vì vậy, nếu phụ nữ 30 tuổi mới sinh con thứ nhất thì thường năm năm sau mới sinh con thứ hai; còn sau 30 tuổi mới sinh con thứ nhất thì cũng sau năm năm mới sinh con thứ hai, lứa tuổi đó không tốt cho mẹ và con. “Theo một nghiên cứu, mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30”, ông Phương cho hay.

Bên cạnh khả năng thụ thai, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp…; nguy cơ sảy thai. Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ, do mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards…

Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như huyết áp cao dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Phụ nữ lớn hơn 35 tuổi cũng dễ bị tăng huyết áp hoặc các rối loạn khác trong khi mang thai. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi và biến chứng tiểu đường đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ và sức khỏe của bé.

Vì vậy, chương trình khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi; phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35. Mục đích là thanh niên trước tuổi 30 kết hôn, sau đó sẽ sinh con, để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp. Bên cạnh đó, nếu kết hôn và sinh con đúng với quy định trên thì họ và gia đình sẽ có những lợi ích như: Tư duy kinh tế độc lập hơn; Ý thức trách nhiệm mạnh mẽ hơn; Khả năng chịu đựng cao hơn; Quan điểm lựa chọn bạn đời ổn định hơn.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top