Hạn chế những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam

14:41 - Thứ Hai, 25/05/2020 Lượt xem: 7889 In bài viết

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm cóhơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, hơn 15.000 ca tử vong do ung thư dạ dày, đây thực sự là con số đáng báo động..

Ung thư phổi, ung thư dạ dày nằm trong những loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi và 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo.

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm cóhơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, hơn 15.000 ca tử vong do ung thư dạ dày, đây thực sự là con số đáng báo động khi ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, những thói quen dễ mắc các căn bệnh ung thư chết người này lại ít người chú ý từ bỏ.

80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá

Tới Bệnh viện K Trung ương, chúng tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi ở đây, đa số là đến bệnh viện trong tình trạng muộn, bệnh đã di căn. Ông Phạm Văn Khánh (62 tuổi, ở Nam Định) vừa trải qua đợt xạ trị thứ 5 cho biết: “Cách đây gần 1 năm tôi ho liên tục, đi khám thì bảo viêm phế quản, nhưng uống thuốc mãi không khỏi. Sau đó tôi ho ra máu, sụt cân, mệt mỏi, lên tới đây khám mới biết mình ung thư phổi giai đoạn 4”.

Ông Khánh cho biết, ông có tiền sử uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, mấy lần con cái khuyên nhủ tuổi cao nên bỏ thuốc nhưng ông vẫn không bỏ được, chỉ hút ít hơn.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K.

Không hút thuốc lá, không bia rượu, nhưng chị Phạm Thu T. (Quảng Ninh) lại được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 2. Chị cho biết, cách đây vài tháng, cánh tay trái chị đau nhức, đi khám lại bảo bị đau vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ. Sau đó chị cảm thấy hay tức ngực, khó thở, húng hắng ho. “Lên Hà Nội khám mới tìm ra bệnh. Lúc nghe tin tôi sốc lắm, không nghĩ mình lại mắc bệnh này”, chị T. chia sẻ.

Theo Bệnh viện K, nhiều nghiên cứu cho thấy, 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt, khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

“Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzenlà chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).

Tại Bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó,việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi” – TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K cho biết.

Theo BS Kiểm, những người tiếp xúc với khói, bụi cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi, đặc biệt là trong quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than, bụi kim loại. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư phổi thường phát hiện muộn, khi tới viện đã ở các giai đoạn 3, 4, ung thư di căn…

Người có nhóm máu A nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn

Theo chia sẻ của TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, ung thư dạ dày ở Việt Nam ngày càng gia tăng và càng trẻ hóa. So với nhiều ung thư khác, ung thư dạ dày dấu hiệu cảnh báo ít hơn.

Ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân đến với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm theo bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và cảm giác nóng rát. Trong những trường hợp mà bệnh ung thư tiến triển hơn thì có thể thấy những hấu hiệu rõ hơn, ví dụ như bệnh nhân có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày, bệnh nhân có thể đau, buồn nôn, và thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút.

Chính vì lúc đầu triệu chứng mơ hồ rất giống với loét dạ dày nên nhiều người chủ quan, xem nhẹ bệnh và không đi nội soi, tự uống thuốc kê đơn cũ, chỉ đến khi bệnh nặng vào viện thì quá muộn. Vậy, ung thư dạ dày có phòng ngừa được không?

Theo TS.BS Phạm Văn Bình, phải tìm hiểu những yếu tố nguy cơ mắc ung thư dạ dày để chúng ta phòng ngừa. Đó là các yếu tố nguy cơ về nhiễm khuẩn (vi khuẩn HP), ước tính trên thế giới có khoảng 70% dân số thế giới mắc vi khuẩn HP này, tuy nhiên, không phải ai nhiễm HP cũng mắc phải ung thư dạ dày. Người ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động cũng là một trong những nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày thì nhóm người trong gia đình này có tỉ lệ mắc ung thư cao hơn. Một số nghiên cứu gần đây chứng minh nguy cơ mắc bệnh này có liên quan đến đột biến gen. Yếu tố nữa là người nhóm máu A có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những nhóm máu khác…

Phải tầm soát phát hiện bệnh sớm, từ bỏ một số thói quen ăn uống

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, để phòng tránh ung thư phổi và dạ dày, chúng ta phải tránh tất cả các yếu tố nguy cơ trên. Quan trọng nhất là chúng ta cần ý thức được việc khám tầm soát phát hiện sớm bệnh sớm. Với ung thư phổi, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%.

Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 3-6 tháng. Tuy nhiên, nhiều người đến viện muộn do ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Đối với ung thư dạ dày, theo TS.BS Phạm Văn Bình, hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu thấy những dấu hiệu đầy tức bụng, mất cảm giác thèm ăn, sụt cân, mệt mỏi, nôn ra máu, đi ngoài phân có màu bất thường phải đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.

Theo khuyến cáo của Trưởng khoa Ngoại bụng, người dân phải hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nhiều nitrit và amin thứ cấp, khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư. Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên vì qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích bởi sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top