Chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu

09:28 - Thứ Hai, 01/06/2020 Lượt xem: 9267 In bài viết

ĐBP - Bác sỹ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có bệnh thủy đậu.

Cán bộ TTYT huyện Mường Chà hướng dẫn cách phòng chống bệnh thủy đậu cho người dân.

Bệnh thủy đậu do vi rút Varicella Zoter gây ra, vi rút này có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trẻ em mắc nhiều hơn người lớn và thường nhẹ hơn người lớn. Người mắc bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. Ðáng chú ý, thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước lan tràn nhưng bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não... Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi như đầu nhỏ, bại não, chân tay khoèo, sẹo bẩm sinh…

4 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 204 trường hợp mắc thủy đậu. Ðể chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại các xã, phường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những ca bệnh đầu tiên. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, trung tâm y tế các huyện cần tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch để ngăn ngừa bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng; tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, nhất là ở những địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống bệnh thủy đậu để bảo vệ sức khỏe người thân trong gia đình. Trong đó, chú trọng tuyên truyền thông qua đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thường xuyên xuống các thôn, bản hướng dẫn người dân về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng phòng tránh bệnh thủy đậu. Ngoài ra, Trung tâm đảm bảo đầy đủ về cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế để đáp ứng khi có dịch bệnh xảy ra.

Ðể chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động cho con em mình đi tiêm vắc xin phòng bệnh khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. Ðồng thời, hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan, khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng đồ sinh hoạt riêng; chủ động vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi xuất hiện biểu hiện sốt cao liên tục, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê, có xuất huyết trên nốt rạ nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Với những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được cách ly và cho nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.

Bài, ảnh: Ðức Thái
Bình luận
Back To Top