Chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp tại nhà

10:21 - Thứ Hai, 27/07/2020 Lượt xem: 5764 In bài viết

ĐBP - Nhiều bệnh nhân khi chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp thường có tâm lý bi quan, chán nản vì mang suy nghĩ rằng họ không thể tiếp tục làm những điều mình yêu thích và phải dành cả quãng đời còn lại để uống thuốc theo đơn bác sĩ. Do vậy, nguồn động viên từ người thân, gia đình cũng như cách chăm sóc tại nhà đúng cách có thể góp phần nâng cao thể trạng, ổn định huyết áp cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh An (huyện Điện Biên) kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân.

Để có thể chăm sóc cho người tăng huyết áp, người thân cần hiểu rõ về căn bệnh này là gì, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như thế nào. Trên cơ sở đó, chỉ cho người bệnh biết về các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và thuyết phục họ loại bỏ hoặc hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Theo các bác sĩ, tăng huyết áp là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, thừa cân, người bị tiểu đường, mỡ máu cao. Bệnh xảy ra khi áp lực máu trong các động mạch tăng cao. Mức huyết áp bình thường là 120/80mmHg, chỉ số từ 140/90mmHg trở lên được gọi là tăng huyết áp. Thực tế cho thấy do điều kiện đời sống ngày càng cao, số lượng bệnh nhân cao huyết áp trên địa bàn tỉnh cũng có chiều hướng tăng lên. Hội chứng tăng huyết áp rất nguy hiểm nhưng không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Bệnh rất dễ có khả năng dẫn tới tổn thương động mạch và tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể, dễ dẫn tới đột quỵ, đau tim và suy tim, thậm chí dẫn tới tử vong nếu gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, cần theo dõi thường xuyên và điều trị lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. Nếu thực hiện đúng theo các hướng dẫn, người bệnh sẽ dễ dàng kiểm soát huyết áp và tránh khỏi những biến động đột ngột trong cuộc sống. Lối sống lành mạnh và tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ sẽ giúp người bệnh ổn định huyết áp, cân bằng tác động nếu có và tiếp tục tận hưởng cuộc sống của mình như những người bình thường khác. Do vậy, người thân nên xây dựng một kế hoạch chăm sóc người bệnh tăng huyết áp phù hợp và hiệu quả. Nhắc nhở người bệnh uống thuốc huyết áp đều đặn, không tự ý dừng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cũng cần được nhắc nhở tự thực hiện hoặc hỗ trợ đo huyết áp hàng ngày. Để đảm bảo kết quả không bị sai lệch, tốt nhất nên đo sau khi nằm hay ngồi nghỉ ngơi 3 - 5 phút, đo 2 lần liên tiếp cách nhau vài phút rồi lấy trung bình. Người nhà nên nhắc nhở hoặc đưa bệnh nhân đi tái khám định kỳ để nhận được lời khuyên của chuyên gia về việc thay đổi đơn thuốc cho phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Tăng huyết áp và thừa cân thường đi chung với nhau. Vì vậy, giảm cân là một trong những cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Theo các chuyên gia, chỉ số huyết áp sẽ hạ khoảng 1mmHg với mỗi ki lô gam mà người bệnh giảm. Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng với bệnh nhân tăng huyết áp. Người thân cần xây dựng chi tiết cho người bệnh về chế độ ăn tuân thủ theo các yêu cầu: Hạn chế muối, hạn chế lipit và cholesterol, hạn chế calo nếu quá béo, không dùng các chất kích thích tim mạch. Các bài tập có thể áp dụng bao gồm: Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc khiêu vũ… Người thân cần khuyến khích, động viên kiên trì hoặc tham gia tập luyện cùng bệnh nhân để mong đạt được kết quả tốt nhất.

Điều quan trọng hơn cả là tạo cho người bệnh trạng thái tinh thần thoải mái. Thực tế đã cho thấy, căng thẳng lâu ngày có thể góp phần làm tăng huyết áp. Thậm chí một cú sốc về tâm lý còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm với bệnh nhân cao huyết áp. Vì thế, người nhà nên tạo cho bệnh nhân trạng thái tinh thần thoải mái nhất, tránh gây áp lực, căng thẳng hay xung đột trong gia đình; đồng thời, khuyến khích bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc và có biện pháp thư giãn hợp lý, như: Nghe nhạc, tập thiền, Yoga…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top