Phòng bệnh cho người cao tuổi trong mùa lạnh

09:06 - Thứ Hai, 16/11/2020 Lượt xem: 5490 In bài viết

ĐBP - Thời tiết chuyển lạnh với nhiệt độ thấp dưới ngưỡng bình thường sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả mọi người. Với người cao tuổi, việc đảm bảo cơ thể khỏe mạnh trong giai đoạn mùa đông lại càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, càng lớn tuổi sức đề kháng của cơ thể càng giảm, tạo cơ hội cho các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và cơ, xương khớp… phát triển.

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thăm khám bệnh nhân cao tuổi. Ảnh: Diệp Chi

Mới vào đầu mùa đông nhưng Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) đã ghi nhận hàng chục người cao tuổi phải nhập viện điều trị. Các bệnh chủ yếu liên quan đến tai biến mạch máu não, đau nhức xương khớp… Như trường hợp của bà Hà Thị Ðôi, 84 tuổi, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) bị đau nhức xương khớp đã nhiều năm nay. Nhưng cứ mỗi khi trời chuyển lạnh là các khớp xương lại đau nhức nhiều hơn, khiến bà khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, bà phải nhập viện để điều trị. Bà Ðôi chia sẻ: Thời tiết thay đổi là tôi lại ê ẩm hết mình mẩy, các khớp xương đau nhức khiến đi lại khó khăn, ăn không ngon, ngủ không yên. Vậy nên tôi lại phải nhập viện, điều trị châm cứu, ngâm chân, uống thuốc… với liệu trình từ 3 - 4 tuần mới thuyên giảm… Còn trường hợp của bà Vũ Thị Ban, 80 tuổi, sinh sống tại Thái Bình lên thăm con cháu tại phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ nhưng không may bị tai biến mạch máu não dẫn đến méo miệng, liệt nửa người. Người nhà bà Ban cho biết, hiện bà đang phải điều trị kết hợp giữa đông - tây y; trong đó, tập trung vào các loại thuốc đông y phối hợp với châm cứu, xoa bóp và tích cực tập vận động mới mong nhanh chóng hồi phục.

Bác sĩ Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Thời tiết chuyển sang mùa đông khiến người cao tuổi vào nhập viện điều trị cao hơn so với bình thường. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh ẩm khiến các bệnh về xương khớp ở người cao tuổi càng trầm trọng hơn, trong đó các bệnh thường gặp nhất là viêm khớp, thoái hóa khớp… Các cơn đau nhức xương khớp ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp do thức dậy đêm khuya hoặc ra ngoài sớm, nhiệt độ thay đổi quá nhanh, cơ thể người già không đáp ứng kịp dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… hết sức nguy hiểm. Ngoài ra, nhiệt độ thấp còn là yếu tố tác động không tốt với đường hô hấp, chưa kể môi trường ẩm thấp tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây cúm, viêm phổi phát triển mạnh. Từ đó làm bùng phát các bệnh hô hấp mạn tính ở người cao tuổi và cũng là nguyên nhân khiến họ phải nhập viện vì các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản…

Ðể chủ động phòng chống các bệnh trong mùa lạnh, việc đầu tiên cần làm là người cao tuổi cần giữ ấm trong mùa đông. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các khớp, nếu người cao tuổi đã bị viêm khớp, thoái hóa khớp xương càng cần giữ ấm cơ thể và các khớp: Khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay… Tại các vùng nông thôn nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, người cao tuổi nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra. Nếu dậy sớm tập thể dục hoặc có việc phải đi ra ngoài cũng cần làm như vậy. Dù ở nhà hay ra ngoài, người cao tuổi đều cần mặc đủ ấm, dùng khăn len che mũi, miệng để tránh viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Người cao tuổi cần ăn đủ các thực phẩm giàu chất bột đường, chất đạm, đặc biệt là chất béo giúp cơ thể sinh năng lượng chống rét. Tuy nhiên cũng nên tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối để không mất ngủ. Tuyệt đối không dùng rượu để làm ấm cơ thể vì sẽ gây dãn mạch, khi tiếp xúc với trời lạnh rất nguy hiểm. Tập thể dục thể thao giúp người cao tuổi lưu thông khí huyết, tinh thần sảng khoái, tăng cường hoạt động hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết cũng như mỡ máu. Nhưng khi thời tiết quá lạnh, người cao tuổi nên tập thể dục ở chỗ kín gió, ấm áp, hoặc tập ngay trong nhà. Luôn khởi động kỹ cho người ấm lên và chỉ nên tập luyện phù hợp với sức khỏe của từng người.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top