Gia tăng tình trạng bác sĩ bỏ việc sau đào tạo

Bài 2: Chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động y tế

09:14 - Thứ Hai, 30/11/2020 Lượt xem: 6456 In bài viết

ĐBP - Người đã lựa chọn ra đi thì không giữ được nhưng lý do vẫn cần được làm rõ để hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực y tế tỉnh nhà. Hơn nữa, những “khoảng trống” mà các cán bộ, bác sĩ này để lại cũng cần được lấp đầy để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bài 1: “Lý do to hơn mục đích”

Bệnh viện Ða khoa tỉnh luôn đông bệnh nhân. Trong ảnh: Bệnh nhân và người nhà chờ lấy giấy, chỉ định khoa, phòng khám tại sảnh tiếp đón bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Hiền

Thu nhập và áp lực công việc

Một số bác sĩ của Bệnh viện Ða khoa tỉnh hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ đã bỏ việc “đầu quân” cho bệnh viện tư tại các tỉnh, thành lớn được cho là có thu nhập hiện tại khoảng 40 - 50 triệu đồng/người/tháng. Như tính toán của Phòng Tài chính kế toán (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) nếu tiếp tục công tác tại cơ quan, thu nhập trung bình của các bác sĩ này khoảng 15 triệu đồng/tháng. Thời gian đào tạo 1 bác sĩ tốt nghiệp ra trường là 6 năm (chưa kể thời gian đào tạo chuyên khoa) nhưng lương khi đi làm chỉ được tính bằng cử nhân 4 năm với bậc lương khởi điểm 2,34 lần mức lương tối thiểu, ngoài ra tùy vào khoa ngành, có thêm ưu đãi nghề. Tổng thu nhập của 1 bác sĩ bao gồm lương, thưởng, thu nhập tăng thêm, tiền thủ thuật, phẫu thuật… cộng lại vẫn chênh lệch nhiều so với mức đãi ngộ của các bệnh viện tư có tiếng. Những con số mà chính người trong ngành Y tế truyền tai nhau này cũng làm cho một số cán bộ, bác sĩ hiện đang công tác có tư tưởng dao động, so sánh.

Ngoài thu nhập thì áp lực tại các bệnh viện công lập lớn hơn bệnh viện tư rất nhiều bởi luôn đông bệnh nhân, nhiều khoa thường xuyên quá tải. Mỗi bác sĩ thường phải trực 2 - 3 ngày/tuần. Với địa bàn miền núi như tỉnh ta, việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân cũng gặp không ít khó khăn bởi nhận thức và khả năng tiếp nhận thông tin của nhiều người dân còn hạn chế và bất đồng về ngôn ngữ. Cùng với đó thói quen sinh hoạt, tập quán lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh. Ðó là những lý do làm cho một số cán bộ, bác sĩ khi có cơ hội đến các bệnh viện có điều kiện tốt hơn đã dứt khoát ra đi.

Lấp đầy “khoảng trống”

Mỗi cán bộ, bác sĩ được cử đi đào tạo không chỉ là trau dồi cho bản thân mà còn gắn với thực tiễn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng vị thế, thu hút bệnh nhân tại các khoa chuyên môn, cơ sở y tế nói riêng, ngành y tế tỉnh nói chung. Vì vậy, cán bộ, bác sĩ sau khi đào tạo lại bỏ việc gây những khó khăn nhất định cho bộ phận, cơ quan mình công tác. Bác sĩ V.H.T, sau 2 năm được Bệnh viện Ða khoa tỉnh cử đi học cao học chuyên ngành hồi sức cấp cứu tại Trường Ðại học Y Hà Nội thì anh tự ý bỏ việc. Khoa Cấp cứu nơi anh T. công tác rất mong ngày anh tốt nghiệp trở về để san sẻ công việc, bớt căng thẳng, quá tải. Bởi, tính cả anh T. thì Khoa có 4 bác sĩ, 1 ngày trung bình tiếp nhận 30 - 60 bệnh nhân cấp cứu, dịp cuối tuần tiếp nhận 50 - 90 bệnh nhân, trong đó có không ít bệnh nhân nặng, nghiêm trọng. Bác sĩ Trần Hải Phong, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: “Khi bác sĩ T. thôi việc, Khoa còn 3 bác sĩ thay nhau trực, có lúc quá tải nhưng vẫn luôn động viên nhau cố gắng, dù thế nào cũng phải đảm bảo chất lượng chuyên môn và quyền lợi tốt nhất cho người bệnh, chăm sóc, cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân”. Bác sĩ V.H.T. có quyết định kỷ luật với hình thức buộc thôi việc từ 29/1/2018 nhưng sang năm 2019, Khoa Cấp cứu mới được bổ sung 1 bác sĩ để giảm bớt áp lực cho các bác sĩ.

Còn tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), sau khi bác sĩ L.Q.S. kết thúc đào tạo thạc sĩ chẩn đoán hình ảnh liền xin thôi việc thì Khoa cũng đã đề xuất Ban giám đốc xin thêm nhân lực và được bổ sung 3 bác sĩ mới tuyển dụng. Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết: Trong thời gian bác sĩ L.Q.S. được cử đi học, Khoa chỉ có 4 bác sĩ mỗi ngày siêu âm, chụp cộng hưởng từ, chụp CT, X - quang cho khoảng 400 lượt bệnh nhân. Thực sự là cũng quá đông nhưng anh em vẫn duy trì, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong 2 năm đi học thạc sĩ, S. vẫn về tham gia trực lễ tết nên cũng san sẻ được một chút. Nhưng khi học xong thì S. bỏ việc nên chúng tôi lại phải xin thêm nhân lực, hiện đã đáp ứng yêu cầu công việc.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ðức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh cho biết: “Trong 3 năm, Bệnh viện có 7 bác sĩ đào tạo trở về xin nghỉ việc. Các trường hợp này làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của từng khoa, phòng liên quan trực tiếp. Tuy nhiên Bệnh viện luôn có phương án xử lý linh hoạt nên không gây xáo trộn trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Ðây cũng là nhận định của Phó Giám đốc Sở Y tế Lường Văn Kiên: “Không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động y tế của các đơn vị vì hiện không thiếu bác sĩ”. Thống kê của Sở Y tế, nhân lực của ngành Y tế tỉnh hiện có 3.200 người, trong đó y tế công lập là 3.551 người với 703 bác sĩ, 96 dược sĩ đại học và trên đại học, 163 điều dưỡng đại học và trên đại học. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 11,87 và trên 90% xã có bác sĩ công tác.

Tình trạng bác sĩ bỏ việc sau đào tạo hiện nay chưa tác động nhiều đến hoạt động y tế chung của tỉnh nhưng tình trạng này đã diễn ra nhiều năm với số lượng lớn ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. 3 năm trở lại đây, số cán bộ, bác sĩ bỏ việc sau khi được đào tạo mới tăng nhanh ở tỉnh ta, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì sẽ là nguy cơ đáng báo động.

Bài 3: Giải pháp giữ chân bác sĩ

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top