Phòng đột quỵ trong mùa lạnh

09:54 - Thứ Hai, 04/01/2021 Lượt xem: 6499 In bài viết

ĐBP - Miền Bắc đang phải hứng chịu những đợt rét đậm, rét hại khiến những bệnh liên quan đến thời tiết gia tăng, nguy hiểm nhất trong đó là đột quỵ. Ðột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không chỉ có người cao tuổi mà ngay cả những người trẻ, người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường... Nếu chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm đột quỵ, bệnh nhân sẽ được cứu sống và tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Theo thống kê tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh, trung bình bệnh nhân nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh tăng từ 15% - 30%. Khi thời tiết lạnh sâu, rét đậm, rét hại số ca bệnh có thể tăng đột biến. Trong 3 tháng cuối năm 2020, Bệnh viện Ða khoa tỉnh tiếp nhận hơn 110 bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, tăng hơn 3 tháng trước đó là 20%. Bác sĩ Trần Ðức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh cho biết: Vào mùa lạnh người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, dẫn đến làm tăng nguy cơ đột quỵ, tai biến… tăng hơn 15% so với các mùa khác. Nguy cơ này thường xảy ra đối với các đối tượng như người cao tuổi khi khả năng miễn dịch và sức chịu đựng cơ thể kém, khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết, đặc biệt là vào mùa lạnh; những người có cuộc sống căng thẳng, ít vận động, nghiện thuốc, ăn uống không khoa học, béo phì…

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, hiện có hơn 10 bệnh nhân đang điều trị đột quỵ, phần lớn là người cao tuổi và đã có quá trình điều trị tại viện trong thời gian dài. Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Loan, 72 tuổi, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) đang trong đợt điều trị đột quỵ đợt thứ 5 tại đây. Chia sẻ về căn bệnh nguy hiểm mà bản thân mắc phải, bà cho biết: Do bản thân đã có tiền sử cao huyết áp nhiều năm, khi những đợt rét cuối cùng của mùa đông năm 2019 xảy ra cũng chính là lúc tôi bị đột quỵ. Sau cảm giác hoa mắt, chóng mặt và ngất lịm, tôi tỉnh dậy đã bị liệt nửa người. Sau thời gian điều trị tích cực tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh, tôi chuyển về Bệnh viện Y học cổ truyền để điều trị biến chứng đột quỵ, sau gần 1 năm và trải qua 5 đợt điều trị, rất vui vì giờ tôi đã có thể đi lại được, sức khỏe đang dần phục hồi ổn định.

Bác sĩ Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khuyến cáo: Không chỉ người già mà ngay cả những người trẻ, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường cũng rất dễ xảy ra đột quỵ khi trời trở lạnh. Thời gian từ lúc đột quỵ xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị rất quan trọng. Ðây được gọi là “thời gian vàng” quyết định đến sự sống chết của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Người bị đột quỵ nhẹ có thể để lại các di chứng như chân tay run rẩy, đi lại khó khăn; nặng thì nằm liệt hoặc tử vong.

Khi phát hiện người đột quỵ cần sơ cứu bằng cách để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi. Nếu thấy người bệnh có những cơn đau đầu dồn dập, buồn nôn thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Ðể phòng tránh bệnh đột quỵ hiệu quả trong mùa đông thì mọi người cần thực hiện các biện pháp sau: Cần mặc đủ ấm; không nên ra khỏi nhà vào ban đêm và tập thể dục vào sáng sớm, khi trời còn lạnh; tâm lý thoải mái, tránh bực bội, căng thẳng; không tắm, gội đầu cùng 1 lúc, khi tắm gội không nên chọn thời điểm quá đói, sau khi ăn hoặc sau 10 giờ đêm. Bên cạnh đó, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, bệnh tim mạch) cần chú ý kiểm soát huyết áp, ổn định đường huyết; trong chế độ ăn cần chú ý giảm chất béo từ động vật, ăn nhiều rau xanh, giảm muối, tránh các chất kích thích như rượu, bia… Tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải để rèn luyện sức khỏe.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top